Suphan Buri là một tỉnh miền trung Thái Lan, nơi còn duy trì lễ cúng Nữ thần Lúa vào tuần trăng đầu tiên của tháng 3 âm lịch, khi vụ mùa thu hoạch đã xong.
Theo chân một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chuyên về lúa gạo của ĐH Mahidol, chúng tôi đến làng Bann Mae Mai (tiếng Thái nghĩa là “làng gái góa”) vào đúng ngày lễ chính. Tương truyền vào triều đại Ayutthaya - khoảng thế kỷ thứ 17, 18 - trai tráng trong làng đều ra trận trong các cuộc xung đột với người Miến Điện, và hầu hết đều không trở về. Ngôi làng mang cái tên này từ đó. Ban Mae Mai bình dị như bao ngôi làng Thái Lan khác, mọi hoạt động cộng đồng đều diễn ra tại sân chùa làng.
|
Từ sáng sớm, dân làng - chủ yếu người cao tuổi - tụ tập tại sân chùa để chuẩn bị lễ hội. Đầu tiên là một đống lúa được vun cao giữa sân, chính giữa là cột tre có treo các chùm lúa được kết thành vòng tròn, xung quanh là bốn cột tre khác cũng treo các túm lúa, trên đỉnh mỗi cột là một lá cờ bằng giấy hoặc vải màu vàng. Ở cột trung tâm còn treo một thứ gọi là “chà lếu”, loại bùa thiêng dùng để xua đuổi tà ma. “Chà lếu” gồm các thanh tre mảnh đan lại thành hình ngôi sao sáu cánh kép, trên có gắn lá cờ nhỏ bằng giấy hoặc vải màu, gắn thêm vào một nhánh lá xanh. Ở giữa có một giỏ tre trong đó bỏ các loại lễ vật là thực phẩm, trái cây. Lễ vật dâng mẹ lúa là bánh được làm từ cốm gạo với đường. Tượng Nữ thần Lúa (Mae Po Sop) được làm bằng các túm lúa kết lại, khoác trang phục truyền thống với các đồ trang sức bằng vàng, bạc… là tâm điểm của buổi lễ.
Đúng 16 giờ, các nhà sư xuất hiện tại chùa làng, lần lượt lễ Phật và ngồi xếp hàng trên bục cầu kinh, bắt đầu cho lễ cúng. Đoàn rước bắt đầu cách chùa một quãng không xa, dẫn đầu đoàn là các mẹ, các chị vừa đi vừa múa theo điệu nhạc do một đoàn nhạc công với đủ loại nhạc cụ vừa đi vừa gõ. Một người đàn ông khỏe mạnh mang tượng mẹ Lúa trên tay, theo sát là một mẹ có lẽ là cao tuổi nhất, tay nâng niu một cánh tay của mẹ Lúa. Rất nhiều người dân và nhất là trẻ em chạy theo đoàn, nhảy múa, hò hét theo nhịp điệu của một phụ nữ cầm loa lĩnh xướng… Sau đó, tượng mẹ Lúa được đặt dưới chân cột chính, ngay giữa tâm đống lúa ở sân chùa. Một bàn lễ vật được bày biện trước đống lúa gồm: một đĩa bánh bột nếp bọc nhân dừa nạo ngào đường, một mâm hoa quả, một bát lớn gạo trắng... Tại bàn lễ vật có hai nhân vật đảm nhiệm vai trò quan trọng gọi là Mo Tham Khuan, sẽ kể chuyện và hát những giai điệu cổ xưa về sự tích dân gian liên quan đến lúa gạo và những người ngồi quanh thỉnh thoảng đồng thanh phụ họa bằng những tiếng hú to hoang dại. Một người chủ lễ trong trang phục trắng lần lượt thắp các bó nến đưa vòng quanh cột hoa, tiếp đó chuyển các bó nến cho vòng tròn người tiếp tục chuyền tay nhau, sau đó người chủ lễ sẽ tập hợp nến lại rồi mang đặt dưới chân Mae Po Sop. Lễ cúng tế kết thúc khi Mo Tham Khuan chấm dứt các điệu hát và kể chuyện, vòng tròn người đồng thanh hưởng ứng bằng những tiếng hú đầy phấn khích.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong không nhiều làng quê còn giữ được nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước.
Minh Thùy Phan
Bình luận (0)