Lễ hội, được tổ chức tại thương xá Tax (cũ) - 141 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), có các hoạt động kết nối ẩm thực Việt Nam với các sản phẩm nước mắm truyền thống, các món ăn đặc trưng vùng miền. Đây cũng là dịp để quảng bá văn hóa ẩm thực nước mắm của người Việt đến cơ quan ngoại giao, du khách nước ngoài.
Khách Tây hào hứng với Lễ hội nước mắm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Lễ hội có quy mô với quy mô trên 150 gian hàng với nhiều hoạt động như trưng bày triển lãm ngành nước mắm, tôn vinh thương hiệu nước mắm truyền thống vì sức khỏe cộng đồng, giới thiệu các món ăn từ nước mắm…
Ông Đặng Thành Tài (57 tuổi), chủ gian hàng nước mắm truyền thống từ Phú Quốc đến với lễ hội với hy vọng giúp thực khách có lựa chọn loại nước mắm chất lượng.
Ông là đời thứ 4 của gia đình theo nghề nước mắm, ra đời từ năm 1895. Người đàn ông tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí nhưng từ năm 1990 ông quyết định gắn bó cơ ngơi của gia đình, tiếp tục đầu tư, sản xuất nước mắm. Không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam, gia đình ông cũng đưa nước mắm ra nước ngoài để Việt kiều, người nước ngoài dễ dàng thưởng thức.
Bỏ nghề cơ khí trở về quê hương nối nghiệp gia đình làm nước mắm truyền thống
"Hương vị, thành phần nước mắm phù hợp với khẩu vị của đại đa số gia đình người Việt, đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Xu hướng ngày này, nhiều người thay đổi về việc lựa chọn nước mắm. Họ thích nước mắm có mùi, độ mặn dịu hơn trong bữa ăn hằng ngày. Vì vậy, chúng tôi cũng thay đổi thêm về hương vị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhưng bảo đảm không có chất bảo quản", ông Tài cho hay.
Chị Lê Thị Thúy Hằng, đại diện một nhãn hàng nước mắm cho biết, đến với lễ hội nước mắm, gian hàng đưa đến thực khách dòng nước mắm cao đạm tự nhiên từ Phú Quốc. Công ty còn tái hiện những thùng gỗ đựng cá giúp khách hàng trải nghiệm gần nhất với quy trình sản xuất nước mắm.
Sau khi đánh bắt cá ở dưới biển, cá sẽ được ướp với muối để đảm bảo độ tươi của cá, nước mắm có màu cánh gián đặc trưng. Thời gian ủ nước mắm kéo dài từ 12 – 15 tháng. Khách hàng có thể dựa vào độ đạm để xác định nước mắm truyền thống hay công nghiệp. Ngoài ra, nước mắm truyền thống sẽ không có chất bảo quản. Thực khách có thể dựa vào hai yếu tố này để lựa chọn những sản phẩm phù hợp.
"Trên thị trường, loại gia vị này đến từ nhiều vùng miền nhưng riêng Phú Quốc có chút khác biệt hơn những nơi khác là sử dụng cá cơm than. Do điều kiện tự nhiên nên cá cơm sẽ cho ra những loại nước mắm có độ đạm cao nhất lên tới 43 độ đạm", chị Hằng chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Thùy Trâm (43 tuổi, ở Q.Tân Phú) bày tỏ, tiêu chí lựa chọn nước mắm cho gia đình là nước mắm truyền thống có từ 30 – 40 độ đạm, không có phụ gia, hương liệu. Bà tới chương trình để tham khảo nhiều loại nước mắm đến từ các vùng miền khác nhau.
"Quê tôi ở vùng biển từ hồi nhỏ đã được ăn nước mắm trong việc nấu ăn, nêm nếm. Ngoài hương vị, tùy thuộc vào thu nhập của mỗi gia đình sẽ có lựa chọn loại nước mắm phù hợp. Nếu không có nước mắm, món ăn sẽ không ngon, bữa cơm gia đình luôn có gia vị này", bà Trâm cho hay.
Bà Mai Thị Hồng (60 tuổi, ở Q.4) chia sẻ: "Tôi mua chai nước mắm Phú Quốc với giá 90.000 đồng với 40 độ đạm. Tôi thường lựa chọn loại nước mắm có độ đạm cao. Khi đến chương trình, tôi thấy có nhiều loại nước mắm khác nhau, vừa đi chơi, vừa tìm thêm các loại gia vị phù hợp với gia đình".
Bình luận (0)