Lễ hội xưa, du lịch nay

13/07/2022 06:46 GMT+7

Rượu nếp thơm lừng, quạt bình an, diều bay lượn trên bầu trời…; nhiều lễ hội xưa giờ trở thành một phần của du lịch .

Món quà từ quá khứ

Nhiều cuộc hẹn đã được các nhóm bạn yêu văn hóa “chốt” khi Hoàng thành Thăng Long công bố chương trình Tết Đoan Ngọ xưa và nay. Theo Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đơn vị quản lý Hoàng thành, trong cung đình Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, nhà vua thường ban yến, ban quạt cho văn võ bá quan. Ân điển ban quạt của nhà vua còn ý nghĩa sâu sắc là ban phúc lành, sức khỏe, bình an cho muôn nhà. Cũng trong Tết Đoan Ngọ còn có phong tục giết sâu bọ…

Tại Tết Đoan Ngọ xưa và nay, có những chiếc bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Pháp). Trước đây, những chiếc bùa ngũ sắc này thường được đeo trong ngày Tết Đoan Ngọ. Không gian của một cửa hàng trên phố Hàng Mụn xưa cũng được tái hiện để tôn vinh tục hái thuốc nam và tri thức dân gian dùng thảo mộc chăm sóc sức khỏe. Cũng có cả gian trưng bày quạt. “Trước đây, chúng tôi được các cụ giảng cho nghe về Tết Đoan Ngọ, hướng dẫn soạn đồ cho lễ giết sâu bọ. Giờ đây, chúng tôi lại chia sẻ điều đó với thế hệ sau”, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết nói.

Nhận quạt cũng là nhận bình an tại chương trình Tết Đoan Ngọ xưa và nay

TL Nguyễn Đức Lộc

Việc dựng lại các lễ hội xưa cũng đã được TP.Huế thực hiện. Trước đây, họ đã dựng lại lễ tế xã tắc, lễ tế giao và giúp công chúng ngày nay hiểu hơn về tinh hoa ẩm thực Huế qua những mâm cơm cung đình. Mới đây, trong khuôn khổ Festival Huế, những nem công chả phượng đã có mặt trong chương trình ngày hội Huế - Kinh đô ẩm thực. Đây là một trong những sản phẩm du lịch do Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế thực hiện. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, cho biết những hoạt động này được kỳ vọng giúp du lịch Huế phát triển bền vững.

Lễ hội diều cũng là một lễ hội đáng trải nghiệm tại Huế. Thông tin từ cổng thông tin địa phương này cho biết dưới thời Bảo Đại, Phủ doãn Thừa Thiên thường tổ chức những cuộc thi diều trong các dịp lễ hằng năm. Các nghệ nhân thời đó luôn tìm tòi những chất liệu mới để cải tiến con diều và nâng cao nghệ thuật thả diều. Tại lễ hội diều mới nhất tháng 4 vừa qua, hơn 80 tác phẩm diều truyền thống được các nghệ nhân sáng tạo công phu như rồng, phượng, chim công, bướm, én, quạ, diều hâu, gà trống, cá vàng... đã cùng hội tụ. Những con diều này có sải cánh từ 1,5 - 3 m. Đặc biệt, diều rồng dài 50 m sau đó được trưng bày tại công viên Tứ Tượng để công chúng thưởng lãm.

Để khách đến khách yêu

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng làm sống lại những lễ hội xưa như vậy sẽ thu hút khách du lịch. Mặc dù vậy, không phải lễ hội nào khi trở thành sản phẩm du lịch cũng thành công. Chẳng hạn, việc thu thập các tư liệu lịch sử, nhân học sẽ dần dần đầy đặn hơn. Nhờ đó, các chi tiết của lễ hội sẽ ngày một sống động hơn. “Các lễ hội đưa vào du lịch khi mới làm còn có những điều chưa hợp lý, cần chỉnh sửa, thay đổi. Ta không nên đánh giá khắt khe ngay, cứ phải thực nghiệm về đường đi rồi cứ đi sẽ thành đường thôi”, ông Bài nói.

Những cánh diều truyền thống tại lễ hội du lịch trong Festival Huế

TL

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng trong bối cảnh các địa phương rất cần các sản phẩm kích thích phát triển du lịch thì việc sử dụng các chất liệu văn hóa truyền thống để tạo sự kiện là một xu hướng khá phổ biến và nên ủng hộ. “Việc tạo ra sự kiện bằng chất liệu truyền thống không chỉ giúp địa phương có thêm sự kiện văn hóa nghệ thuật, từ đó phát triển du lịch mà còn giúp truyền thống phục hồi”, ông Sơn nói.

Mặc dù vậy, PGS-TS Sơn cảnh báo: “Tuy nhiên, cái này cũng là con dao hai lưỡi. Việc khai thác sự kiện này cho mục đích phát triển du lịch cần thận trọng. Làm sao để việc khai thác giá trị truyền thống không bị hiểu sai, không bị hiểu lệch lạc, bị thương mại hóa thái quá. Đấy là cái mọi người phải lưu ý. Rõ ràng đã có những sản phẩm không những không thu hút được khách du lịch, gây lãng phí, tốn kém mà còn khiến cho khách du lịch hay xã hội nhìn nhận méo mó về những hiện tượng này. Chẳng hạn, có những lễ hội mà người dân diễn lại thì phá vỡ không gian thiêng”.

Một trong những ví dụ ông Sơn đưa ra cần chú ý là các lễ hội thiêng, gắn với không gian thiêng. Với những trường hợp như vậy, việc đưa vào phát triển du lịch là sai với bản chất của lễ hội. Trên thực tế, có lễ hội ở không gian thiêng trước đây chỉ rất ít người được vào thì nay đã đông nghịt người đến và mang theo thiết bị ghi hình.

“Chủ trương chung tôi cho là nên khuyến khích việc đưa văn hóa truyền thống, một số lễ hội xưa vào sản phẩm du lịch. Việc đó đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng di sản. Thêm vào đó, khi tổ chức sẽ có những bài học kinh nghiệm để rút ra cho những câu chuyện lần sau”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.