Lễ hội xuân Quý Mão có hình thành trật tự mới?

25/01/2023 18:58 GMT+7

Mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023 cũng là thời điểm nhiều lễ hội trở lại sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19.

Bắt đầu mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023, hôm nay 25.1 (tức mùng 4 tết Nguyên đán Quý Mão 2023), gia đình chị Thu Hằng (Q.Ba Đình, Hà Nội) vui vẻ đi dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Chị đưa con vào lễ với mong muốn năm nay cậu sẽ thi cử thuận lợi vào trường PTTH ưng ý. “Năm nay, chúng tôi được đi lễ thuận lợi. Năm ngoái, bạn bè tôi có con đi thi toàn phải đứng cửa Văn Miếu bái vọng vào, do các di tích đều đóng cửa phòng, chống dịch”, chị Thu Hằng tâm sự.

Các ông đồ cho chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thiên hỏa

Năm nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám khôi phục lại truyền thống ông đồ viết chữ, cho chữ. Người dân vui vẻ không chỉ vì đã được xin chữ mà còn vì những ngày căng thẳng đối phó với dịch đã qua.

Hiện tại, chưa có con số thống kê số người ra, vào di tích trong dịp tết. Tuy nhiên, bằng mắt thường có thể thấy đời sống văn hóa tết ở đây đã dần trở lại như khi chưa có dịch. “Hiện tại, chúng tôi chưa có con số cụ thể nhưng người dân đến cũng rất đông”, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết.

Tương tự ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ hội xuân ở các nơi khác của Hà Nội cũng được nối lại, hứa hẹn có nhiều người tham dự sau khi bị đứt đoạn 2 năm. Ông Đỗ Doãn Văn, Trưởng ban Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, cho biết nhìn chung người đi lễ từ 30 tháng chạp đến mùng 3 tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đều đông. Tuy nhiên, vào chiều mùng 4 tết, số lượng người lại tăng hơn hẳn.

Được biết, từ ngày mùng 4 tết, đền Ngọc Sơn (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - di tích luôn “nóng” vì lượng người thăm lớn sẽ bán vé trở lại sau những ngày tết miễn phí.

Dự báo, hội đền Trần (Nam Định) năm nay lượng khách sẽ tăng nhẹ

lê tân

Ngoài ra, hội đền Cổ Loa (H.Đông Anh, Hà Nội) sẽ khai hội vào ngày mùng 6 tháng giêng. Theo truyền thống, lễ hội này sẽ diễn ra trong 10 ngày. Lễ hội năm nay sẽ gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận khu di tích quốc gia, đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch.

Lễ hội Gióng đền Sóc (H.Sóc Sơn, Hà Nội) cũng có cùng ngày khai mạc với hội đền Cổ Loa là ngày mùng 6 tháng giêng. Năm nay, lễ hội được dự báo khá hút khách. Ban tổ chức lễ hội đã tuyên truyền cho người dân để tránh tình trạng chen chúc, xô đẩy tranh lộc.

Nông dân cải trang thành trâu, bò trong lễ hội độc đáo ở Vĩnh Phúc

Về tổng thể lễ hội, chiều nay, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết năm nay số lượng người tham dự các lễ hội sẽ đông trở lại, song không tăng đột biến, các địa phương có thể kiểm soát được an toàn.

“Bản thân chúng tôi cũng liên tục đi kiểm tra các lễ hội xuân trong những ngày cận tết và tết. Quan sát cho thấy, số lượng người dự hội không tăng nhiều so với trước dịch”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, các địa phương đều chủ động có phương án để giãn đám đông, tránh việc chen lấn, giẫm đạp nhau.

Chẳng hạn, trước dịch đã có việc chuyển ấn đền Trần (Nam Định) cho người dân ở nhiều nơi trên đất nước, nếu có nhu cầu. Điều này đáp ứng mong mỏi có lá ấn của người dân, đồng thời giúp nhiều người không phải cất công hành hương về đền Trần.

Vì thế, năm nay, bà Hương cho rằng không phải quá lo lắng về trật tự tại đền Trần ngày rằm tháng giêng cũng như lễ hội xuân.

Nếu những dự báo của bà Hương đúng, có thể hy vọng cách thức hành hương mùa lễ hội 2023 sẽ thiết lập trật tự mới theo hướng an toàn hơn.

Mùng 4 tết, ngư dân tranh tài đua ghe trên đầm An Khê đầy kịch tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.