>> Đừng để 'phép vua thua lệ làng
>> Một trường hợp chết oan vì hủ tục
>> Vẫn nặng nề hủ tục… trả nợ miệng
>> Rùng rợn hủ tục hiến tế thần linh
>> Thanh niên cần tiên phong xóa bỏ hủ tục
Truyền thuyết bát hương chị - em
Làng Thượng Lỗi, Tức Mặc xưa (thuộc phường Lộc Vượng, TP.Nam Định), nay đã lên phố thị. Nhà tầng mọc lên san sát, phố xá bán buôn sầm uất cả ngày.
Nhưng câu chuyện truyền kiếp về bát hương chị - em cùng mối kết nghĩa giao hảo giữa hai làng vẫn không đổi theo thời gian. Trong cuốn ngọc phả lưu giữ ở đình làng Tức Mặc vẫn còn ghi lại rõ ràng về mối kết nghĩa chị - em của hai làng từ ngàn năm về trước.
Tương truyền kể rằng, câu chuyện bắt nguồn từ lịch sử của làng Thượng Lỗi (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định), vốn là quê hương của bà Phạm Thị Côn Nương, một tướng thủy quân phù tá đánh giặc cho bà Trưng Trắc - Trưng Nhị.
|
Năm Quý Mão 43, trong trận chiến với tướng Trung Quốc là Mã Viện, Hai Bà Trưng thua trận, quyết không cho giặc bắt, bà Côn Nương đã tự vẫn ở dòng Hát giang để giữ khí tiết. Để tưởng nhớ tới lòng quả cảm của vị tướng này, người dân đã lập đền thờ tại làng Thượng Lỗi.
Tới năm 1138, có một viên quan tên hiệu là Lý Triều Công đi đánh giặc đóng quân ở gần làng Thượng Lỗi vào thắp hương khấn vái đền thờ bà Côn Nương để cầu chiến thắng trong trận đánh sắp tới.
Thắng trận trở về, để tỏ lòng biết ơn, Lý Triều Công đã quay về dâng hương ở đền thờ Côn Nương một lần nữa.
Cụ Trần Khắc Kê (80 tuổi, ở Tức Mặc, phường Lộc Vượng) - thủ từ đình Tức Mặc kể lại, sau khi tướng Lý Triều Công mất, dân làng Thượng Lỗi cũng lập bát hương thờ.
Mặc dù hai vị tướng cách nhau cả ngàn năm, nhưng người dân lập chung đền thờ, mỗi người một bát hương coi 2 vị tướng như “hai chị em”. Về sau, dân làng Tức Mặc xin làng Thượng Lỗi một bát hương về thờ, do nhầm lẫn nên đã lấy phải bát hương chị. Từ đó, hai ngôi làng kết nghĩa giao hảo “chị - em”. Tức Mặc là dân chị còn Thượng Lỗi là dân em.
|
Theo tập tục, cứ ba năm một lần vào ngày 24.11 trong những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng hai bên lại tưng bừng mở lễ rước giao hảo từ truyền thuyết năm xưa. Các cụ cao niên hai làng ngồi quây quần trong sân đình gợi nhắc mối kết nghĩa thân tình chị em hai làng để khắc sâu, ghi nhớ và răn đe con trẻ sau này.
Khởi nguồn từ mối kết nghĩa giao hảo ấy nên từ ngàn đời nay, trai gái 2 làng không được phép kết duyên với nhau vì là chị em trong cùng một nhà.
Những câu chuyện buồn
Bao đời nay, người dân ở 2 làng vẫn lưu truyền rằng, nếu ai đi ngược lại tập tục sẽ phải gánh chịu những bất hạnh hôn nhân, thậm chí vợ chồng âm - dương cách trở. Người dân nơi đây, từ già đến trẻ vẫn rỉ tai nhau câu chuyện buồn từ hàng trăm năm về trước để minh chứng cho lời nguyền năm xưa.
Tương truyền, trước kia, có một đôi trai gái bất chấp ngăn cấm của dòng họ đôi bên, cố tình lấy nhau nhưng rồi không sinh được con cái, cuối cùng cả hai bỏ nhau, đi mất tích không về. Hoặc nhiều cặp đôi khác ở 2 làng lấy nhau nhưng có cùng chung kết cục bi thảm, một trong hai người đoản mệnh chết sớm.
Những câu chuyện buồn như thế cứ lưu truyền từ đời này sang đời khác nhưng hỏi về thời gian, con người cụ thể thì không ai nắm được. Trai gái lớn lên sợ lời nguyền nên chẳng dám yêu nhau. Dù có yêu nhau cũng lập tức bị dòng họ ngăn cấm, phản đối quyết liệt.
Theo cụ Kê, hàng trăm năm nay ở hai làng không có một đôi trai gái nào đến được với nhau. Cụ Kê dẫn chứng hùng hồn, ngay cả với con cái cũng răn đe từ nhỏ, cấm không cho yêu người làng Thượng Lỗi bởi “người thiên hạ đâu có thiếu gì”.Truyền thuyết bát hương chị - em cách nhau ngàn năm tuổi và lời nguyền năm xưa đã trở thành rào cản tình yêu của nhiều đôi nam nữ ở 2 làng Tức Mặc, Thượng Lỗi.
|
Câu chuyện vừa xảy ra 3 năm về trước khi con gái ông Đ. (người làng Tức Mặc) nảy nở tình yêu với một thanh niên làng Thượng Lỗi. Cả hai cùng đồng lòng mong muốn được kết duyên vợ chồng.
Thế nhưng, vừa ngỏ ý dạm hỏi, gia đình, dòng họ đã lập tức ngăn cấm. Không thể vượt qua rào cản quá lớn, cuối cùng mối tình đẹp của cặp trai gái 2 làng đã tan vỡ.
Tức Mặc, Thượng Lỗi giờ đang đổi thay từng ngày. Người dân ở tứ xứ về nhập cư sinh sống ở Thượng Lỗi ngày càng nhiều, người gốc làng Thượng Lỗi không còn được bao nhiêu.
Thế nhưng, khi nhắc tới lệ xưa cụ Trần Trọng Tuân (85 tuổi, người làng Tức Mặc), cao niên trong làng một mực khăng khăng: “Lệ làng phép nước, không bao giờ cho lấy. Đã cấm rồi, đời đời kiếp kiếp cũng không thể làm trái lại. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, tự quyết làm sao được. Kể cả người tứ xứ đến vẫn phải kiêng vì nhập cư tới đây hộ khẩu là Thượng Lỗi rồi chứ. Chứ còn lấy nhầm, lấy chui, lấy dúi ở thì tôi không biết”.
Trao đổi với Thanh Niên Online, Phó chủ tịch UBND phường Lộc Vượng Trần Quốc Toản cho rằng “câu chuyện của hai làng như vậy là đúng, chắc chắn phải giữ nguyên nguồn gốc, đạo lý và phong tục chứ”. Theo ông Toản, chính quyền không thể can thiệp được nhiều vì đó là chuyện giao hảo kết nghĩa, quy định của dòng họ hai làng.
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)