Lê Lợi dứt khoát với nhà Trần

25/07/2021 05:56 GMT+7

Cái chết của Trần Cảo và sự từ chức của Trần Nguyên Hãn tưởng rằng sẽ yên ổn nhưng không vì thế mọi chuyện lắng xuống. Hai quá trình đối nghịch lại tiếp tục khởi động để cuối cùng khiến Trần Nguyên Hãn phải chết.

Trần Nguyên Hãn chuẩn bị lực lượng

Một mặt, Lê triều khiếu vịnh thi tập nói “Hãn về nhà, dốc sức vào việc xây dựng nhà cửa, dùng gạch hoa và đóng chiến thuyền, đánh khí giới”. Trần Nguyên Hãn còn làm nhiều việc tập hợp quần chúng, thi ân bố đức, mua chuộc lòng dân. Tư liệu dân gian vùng Sơn Tây, như Thần tích của khu Đức Lệ, thuộc trang Sơn Bình xưa có nói: “Thái Tổ xét tới công lớn của ông (Trần Nguyên Hãn - T.H.V), liền đặc biệt cho ông cưỡi voi đi trong ba ngày, đi tới đâu được chiếm ruộng tới đó làm “lộc điền”, gọi là tục lễ trọng thưởng bề tôi có công lớn. Nhưng bản chất tướng công là người nhân hậu, không muốn chiếm lấy ruộng dân, nên tướng công chỉ cưỡi voi đến địa phận trang Xuân Lôi thì dừng lại. Sau khi trở về, tướng công mở mang khu Đức Lệ thuộc trang Sơn Bình để phụng thờ tướng công”. Cuốn Đại vương phả lục do Lê Tung soạn vào thời Hồng Đức cũng có chép: “Một hôm, ông sai người bày tiệc, bái yết thần tổ, rồi mời phụ lão, bề tôi ở trang khu tới ăn uống. Ông bảo các vị phụ lão khu Đa Cai và khu Quan Tử rằng: “Tôi từ nay đã được vinh hiển, dân hai khu của các ông đã ở với tôi hết lòng, tôi xin để mệnh về sau cho khu Đa Cai làm hộ nhi cùng khu sở tại Quan Tử thờ cúng. Còn thần tử ở các trang khác, thì ngày nay tôi cho doanh cư, về sau phải lập miếu thờ”. Nhà nghiên cứu Trần Bá Chí còn cho biết truyền thuyết và các thần tích địa phương đều chép: “Cả làng phải kiêng tên hèm của ông là Hãn, đọc ra Hỡn, ai đóng thuyền thì cấm đóng thuyền mũi vuông có trổ mắt rồng hai bên, giống thuyền tả tướng thời xưa”.
Nếu người khác có lẽ là chuyện rất bình thường nhưng trường hợp hành động như Trần Nguyên Hãn thì rất kỳ quái. Chẳng phải Trần Nguyên Hãn đang bị nghi ngờ đó sao? Chẳng phải ông từ quan để tránh sự hiềm nghi đó sao? Vậy sao ông còn “dốc sức” (chữ của Hà Nhậm Đại) đóng thuyền chiến trổ mắt rồng, đánh khí giới, còn đại hội nhân dân đến cùng ăn uống, chia đất đai, hẹn việc thờ cúng, gọi nhân dân là “thần tử”. Dân làng trái lại còn kiêng húy tên của Trần Nguyên Hãn như kiểu người ta kiêng húy tên vua. Ai ở xa không biết còn tưởng Trần Nguyên Hãn đang hiệu triệu quần chúng chuẩn bị khởi sự để lên ngôi thiên tử.

Trần, Lê chia đường

Về phần Lê Lợi, việc lên ngôi của ông chưa thực sự mở ra một thời kỳ ổn định. Thứ nhất, về mặt đối nội, Lê Lợi chỉ là Kiểm hiệu Thái sư, vừa mới giết vua nhà Hậu Trần để đoạt ngôi. Thứ hai, về mặt đối ngoại, nhà Minh chỉ công nhận Hậu Trần là triều đại chính thống ở Đại Việt. Mặc dù cái chết của Trần Cảo đã được sứ thần Đại Việt sang thông báo, nhưng phản ứng của Minh Tuyên Tông là như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng. Ở trong tình cảnh không ổn định đó, khả năng duy trì quyền lực ổn định lâu dài của Lê Lợi lại càng bấp bênh. Toàn thư cho biết “Thái Tổ tuổi già nhiều bệnh, lại thêm Quận vương (Tư Tề) điên cuồng bậy bạ, vua [Thái Tông] thì còn trẻ thơ”. Nếu như Lê Lợi chết, vua nối còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn lại khởi binh và thông báo với nhà Minh về việc nhà Hậu Trần tái lập, triều đại mà ông dày công gây dựng có thể sẽ sụp đổ trong phút chốc. Chẳng những Lê Lợi sẽ bị biến thành phản thần tặc tử của triều Trần, mà con cháu ông cũng khó bảo toàn tính mạng. Lê Lợi không thể vừa làm người tốt, vừa làm vua hiền. Trái lại, ông bị đặt trước một nhu cầu bức bách là phải dẹp tan hoàn toàn thế lực Hậu Trần còn sót lại.
Chính trong bối cảnh này mà các thần hạ như Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư thay nhau dâng sớ xin Lê Thái Tổ giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Đương nhiên không phải lời nói của bọn họ đều vô cớ, vì Trần Nguyên Hãn đã tạo ra rất nhiều hình tích. Lê Thái Tổ đã sai lực sĩ xá nhân bắt Trần Nguyên Hãn về hỏi tội. Kết quả, Trần Nguyên Hãn đã tự sát hoặc gặp nạn trên đường đi mà chết đuối. Trần Nguyên Hãn tự sát tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429). Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái nổi loạn tháng 11 năm thứ 3 (1430). Tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), Lê Lợi giết Thái úy Phạm Văn Xảo, rồi thân chinh đánh Thiệu, Thái. Bế Khắc Thiệu thua chạy rồi chết, Nông Đắc Thái bị bắt. Tháng 12 cùng năm thì “Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ thông đồng với Phạm Văn Xảo làm loạn”. Lê Lợi lại một phen đánh dẹp, bắt được Đèo Cát Hãn. Tháng 3 năm thứ 5 (1432), Lê Thái Tổ về đến kinh sư, ban chiếu kể tội Đèo Cát Hãn, có nói: “Năm ngoái thằng Khắc Thiệu ở Thái Nguyên mưu làm phản đích là do tên thằng Hãn âm mưu, năm nay Cát Hãn nổi loạn, là do âm mưu của Xảo. Mầm mống họa loạn không thể không triệt cho hết”. Vô số người bị chỉ điểm là bè đảng của Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, “bị án tử và đồ rất nhiều”. Vụ án Trần Nguyên Hãn vì vậy mà đích thị oan án, nhưng là oan uổng có cớ.
  ------
(Trích từ sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.