Bỏ qua tất cả những chi tiết ồn ào không cần thiết tập trung vào khía cạnh một người của công chúng như Lệ Quyên, hay một số hoài nghi tính đúng đắn và sự mập mờ về khía cạnh pháp lý đối với hình phạt mà cục Hàng không Việt Nam dành cho vợ chồng cô, tôi vẫn cho rằng việc cho con tè vào túi nôn của ca sỹ Lệ Quyên là một sự kiện đáng quan tâm, khi xem xét trên khía cạnh ứng xử nơi công cộng của người Việt.
Hình ảnh 'nữ ca sĩ đã cho con tè vào túi nôn' trên Daily Mail - Ảnh chụp màn hình Daily Mail
|
Tôi cho rằng tình huống trong cuộc sống có thể chia làm hai dạng: dạng kiểm soát được và không kiểm soát được. Trong câu chuyện của Lệ Quyên, nếu thuộc hành vi kiểm soát được: máy bay đang trong tình trạng bay bình thường, con trai của Lệ Quyên đủ lớn để có thể chủ động và ý thức được vấn đề vệ sinh cá nhân của mình, thì thay vì đưa con vào nhà vệ sinh, việc cho con tè vào túi nôn của người mẹ là không thể chấp nhận được. Túi nôn chỉ dùng cho việc nôn, trong quy định của ngành hàng không không phổ biến việc dùng túi nôn cho những mục đích khác. Vậy nên quy định là quy định. Biểu hiện của một xã hội văn minh là việc tuân thủ nghiêm túc những quy định chung nơi công cộng.
Nhưng nếu sự cố của Lệ Quyên thuộc tình huống thứ hai, tình huống không kiểm soát được hành vi: máy bay trong quá trình hạ cánh, đứa trẻ bất ngờ buồn tè. Tình huống quá đột xuất và trong hoàn cảnh máy bay như vậy, người mẹ không thể bế con vào toa lét, không thể kịp liên hệ xin sự hỗ trợ của tiếp viên, và đã cho tè vào túi nôn như một giải pháp đối phó kịp thời.
|
Vấn đề đôi khi không nằm ở bản chất của vấn đề, mà đôi khi đó là cách xử lý của vấn đề.
Rõ ràng Lệ Quyên đã không đủ nhận thức rõ việc làm thiếu đúng đắn của mình nơi công cộng để đưa ra một lời xin lỗi kịp thời tới tiếp viên và những hành khách xung quanh vì những bất tiện mà con mình đã gây ra cho chuyến bay. Cho dù thái độ của tiếp viên trưởng không được dễ chịu, như Lệ Quyên nói, đã có tác động tới tâm trạng của cô lúc đó, khiến cô “cảm thấy bị xúc phạm”, và cô “không nói gì đáp lại”, thì trên tư cách của một công dân ứng xử nơi công cộng, thiếu đi một lời xin lỗi của cô chính là sự thêm vào một cách cư xử thiếu văn minh của người Việt Nam.
Cô đã có một hành vi sai, và xin lỗi là một ứng xử thích hợp.
Tôi tin rằng một lời xin lỗi kịp thời của cô là cách xử lý khủng hoảng gọn gàng nhất, chắc hẳn rằng nó sẽ tạo ra không khí dễ chịu trong không gian máy bay, cũng như không tạo ra sự dây dưa cho ca sỹ về sau.
Tôi đã chờ đợi một lời xin lỗi của ca sỹ Lệ Quyên ngay khi sự việc ồn ào cho tới khi cô lên tiếng trên một tờ báo, nhưng tuyệt nhiên không có một lời xin lỗi nào đưa ra ngoài những lời biện minh cho trường hợp bất đắc dĩ của mình.
Văn minh, tiến bộ là một tiến trình không thể đảo ngược mà bất kì dân tộc nào cũng hướng đến trong quá trình toàn cầu hóa này. Và không có một không gian nào dễ bị đánh giá và phơi bày rõ nét hơn văn hóa của một công dân hơn không gian công cộng. Do vậy, trừ khi chúng ta từ chối xu hướng này, việc hành xử văn minh, tuân thủ những quy định, luật lệ nơi công cộng là một việc bắt buộc. Bởi mỗi công dân mang bộ mặt và thể diện của một quốc gia.
Chúng ta đã nói nhiều tới văn hóa “xin lỗi” ở những vấn đề vĩ mô và thượng tầng, nhưng tôi nghĩ “xin lỗi” còn cần được vang lên nhiều hơn trong những vấn đề vi mô và phạm vi đời thường. Một lời xin lỗi không chỉ hàm chứa trong đó năng lực nhận thức của một cá nhân về bản chất đúng sai của vấn đề, còn thể hiện nhân cách, lòng tự trọng của cá nhân đó trong khả năng tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Một lời xin lỗi là một biểu hiện của một cung cách đẹp, văn minh, cao thượng, tự tin, dũng cảm trong nhân cách của mỗi công dân của một quốc gia.
Bình luận (0)