Đại ý, tiếng cười hay nụ cười là "độc quyền" nơi con người, nhưng oái ăm thay, chúng ta không thể tự cười. Muốn cười, chúng ta cần đi xem hài kịch, hoặc ít ra là cần một người kể chuyện cười, hay cầm trong tay một cuốn truyện tiếu lâm.
Nếu nhìn một người, không dưng cứ tủm tỉm cười một mình, thì có hai khả năng xảy ra: người đó đang nhớ lại một chuyện buồn cười, hoặc là bị… "chập mạch".
Tóm lại, cười là một hành vi có điều kiện. Và do, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, nên ai cũng đi tìm tiếng cười.
Nhà giáo Lê Tấn Phước không chỉ là người đi tìm tiếng cười, ông còn là người "đi săn" những câu chuyện cười, để rồi remake (soạn dựng lại/sáng tạo thêm) thành những câu chuyện cười mang tính kinh điển.
Mỗi khi đọc truyện cười của Lê Tấn Phước, không hiểu sao, bất giác tôi lại liên tưởng tới một nhà văn già mà tôi yêu thích ở mảng kể chuyện tiếu lâm. Ông thường kể chuyện cười những lúc trà dư tửu hậu, bằng cái giọng tỉnh rụi của mình, nhưng khiến ai nấy đều cười… "té ghế". Đặc biệt, ông nhà văn già này không sử dụng internet. Ông thường đọc truyện cười qua sách báo, do người khác kể lại, hay tự ông bịa ra. Cứ vừa kể vừa bịa. Trong bụng ông là cả một kho truyện tiếu lâm, không bao giờ cạn.
Tôi nghĩ, một trong những cách để nhớ được nhiều chuyện cười là phải thường xuyên kể nó ra. Mỗi lần kể là một lần nhớ lại. Mỗi lần kể là thêm một lần sáng tạo.
Ở đây, nhà giáo Lê Tấn Phước kết hợp hai thao tác, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa biên soạn chuyện cười từ chất liệu đời sống thường nhật, trong dân gian, trên sách báo; vừa sưu tầm trên mạng internet. Nhờ thế, mà ông viết hơn 500 truyện cười, một con số kỷ lục.
Ai cũng có thể nhớ dăm ba chuyện cười, và ai cũng có thể là người kể chuyện cười. Nhưng kể, có làm người ta cười không, lại là chuyện khác. Cũng câu chuyện đó, nhưng có người kể không ai cười nổi, người khác lại mang đến những tràng cười sảng khoái. Chung quy ở tài kể chuyện.
Tôi nghĩ, Lê Tấn Phước là một người có tài kể chuyện cười. Một người kể chuyện cười duyên dáng.
Ngắn gọn, lớp lang, nhấn nhá… rồi bất ngờ bung ra tiếng cười. Kiểu như cú bật một lò xo nén chặt. Hay là cười kiểu Mỹ. Bất ngờ. Quay xe 180 độ. Cũng có khi ngồi ngẫm một hồi rồi mới bật cười.
Có cái cười ngay. Có cái đọc xong, nửa đêm bật dậy, ngồi cười một mình.
Một mình kể hơn 500 truyện cười, quả đáng nể. Chỉ có những ai yêu tiếng cười lắm, yêu lao động lắm mới làm được.
Nhà giáo Lê Tấn Phước đặt tên cho cuốn sách của mình là 555 chuyện giải buồn (Thần dược cho những người bị trầm cảm). Nghĩa là, tiếng cười vừa mua vui vừa là thuốc thang. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại hôm nay, bệnh trầm cảm dường như không chừa một ai. Để bớt trầm cảm, không gì tốt hơn là sống trong chánh niệm thiện lương và tìm đến tiếng cười giải độc. Thích Pháp Hòa - nhà thuyết pháp Phật giáo được đông đảo mọi người yêu thích, cũng nhờ tài kể chuyện cười, cài cắm cái cười vi tiếu để nâng nhẹ bước chân phàm trần chúng sinh trong kiếp người.
Tôi có may mắn làm công việc biên tập với nhà giáo Lê Tấn Phước trong dự án sách Các dấu chấm câu và ký hiệu trong tiếng Anh (NXB Hội Nhà văn, 2022). Ông là một người rất nghiêm túc trong công việc, nhưng cũng rất nhẹ nhàng và hóm hỉnh.
Xuất thân là một thầy giáo dạy tiếng Anh, sau nhiều năm sống ở Mỹ, ông Lê Tấn Phước dành khoảng thời gian quý báu cuối đời để viết sách và làm thiện nguyện.
Tất cả các đầu sách của ông, ngoài một số lượng phát hành để đến tay người đọc, còn lại ông dành tặng cho các tổ chức thiện nguyện. Tiền bán sách được, ông cũng trao tặng cho những nơi cần giúp đỡ. Một cách cho đi tuyệt đẹp.
Với cuốn 555 chuyện giải buồn này, ông cũng dành toàn bộ tiền bán sách cho thiện nguyện. Có nghĩa là, ông vừa phân phát niềm vui và mang đến tiếng cười cho mọi người.
Xin chân thành cảm ơn tấm lòng của nhà giáo Lê Tấn Phước và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bình luận (0)