Lễ thành đôi là gì?

11/02/2025 16:27 GMT+7

Trước thông tin ca sĩ Vũ Cát Tường tổ chức lễ thành đôi với bạn gái vào ngày 12.2, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên và thắc mắc lễ thành đôi là gì?

Dùng "lễ thành đôi" để không vướng tranh cãi?

Ngày 5.2 vừa qua, Vũ Cát Tường đăng tải thông tin đã cầu hôn bạn gái thành công. Sau đó, qua tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, ca sĩ gắn liền với nhiều ca khúc hit như: Vết mưa, Chỉ là giấc mơ, Hôn, Như chưa bắt đầu… chia sẻ: "Những ngày qua, tôi và Bí đỏ (bạn gái của Vũ Cát Tường – PV) đã nhận được rất nhiều lời chúc phúc của mọi người. Tôi không nghĩ chúng tôi lại được mọi người yêu thương nhiều như vậy. Tiện đây, tôi muốn thông báo lễ thành đôi vào 12.2 này là bữa tiệc thân mật, với sự góp mặt của gia đình 2 bên, một số bạn bè thân thiết đã chứng kiến 2 đứa trong 5 năm qua và chứng kiến sự trưởng thành của Tường".

Lễ thành đôi là gì?- Ảnh 1.

Vũ Cát Tường tổ chức lễ thành đôi với bạn gái vào ngày 12.2

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Cũng chính chia sẻ này khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Lễ thành đôi là gì? Sao không phải là lễ cưới, lễ thành hôn… mà lại là lễ thành đôi?".

Theo anh Đỗ Thành Trí (36 tuổi), quản lý nhà hàng tiệc cưới Hoàng Kim (H.Bình Chánh, TP.HCM), "lễ thành đôi" trong câu chuyện của ca sĩ Vũ Cát Tường có nội dung tương tự lễ thành hôn.

"Vũ Cát Tường đã từng tuyên bố bản thân là người đồng tính, công khai xu hướng tính dục một cách chính thức với khán giả. Nữ ca sĩ đã thẳng thắn chia sẻ về việc bản thân mặc vest, nắm tay một cô gái làm đám cưới. Thế nên có thể hiểu, lễ thành đôi vào ngày 12.2 này thực chất là lễ cưới", anh Trí cho biết.

Vũ Cát Tường bật khóc trong ngày thành đôi với bạn gái xinh đẹp

Theo tiến sĩ Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), "lễ thành đôi" là một khẩu ngữ, chứ không phải là từ ngữ dùng trong hôn lễ của người Việt.

"Có lẽ Vũ Cát Tường sử dụng "lễ thành đôi" vì đây là từ thuần Việt. Khi nghe cảm thấy lạ tai, trẻ trung. Lễ thành đôi có thể do sở thích cá nhân và phù hợp trong câu chuyện tình cảm của hai bạn này. Về mặt lễ nghi, dùng "lễ thành đôi" không có gì sai cả, cũng như không vướng vào tranh cãi. Thích dùng từ gì thì dùng, miễn nằm trong khuôn khổ phù hợp, miễn không vi phạm thuần phong mỹ tục. Nhưng "lễ thành đôi" thoạt nghe thấy hay và thú vị, tuy nhiên mang cảm giác không trang trọng, không mang tính chất lễ nghi như lễ thành hôn. "Thành đôi" thì yêu nhau cũng là một đôi, mà vợ chồng cũng là một đôi. "Thành đôi" là từ khá chung chung. Với riêng tôi thì không có gì đặc sắc. Có lẽ một phần chọn "lễ thành đôi" vì theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng cũng không cấm việc người đồng tính tổ chức lễ cưới hay chung sống với nhau. Dường như chủ nhân của câu chuyện này dùng "lễ thành đôi" để không vướng tranh cãi, vừa tạo sự trẻ trung, vui vẻ", tiến sĩ Hà Thanh Vân nói.

Hiểu hơn những nghi lễ trong đám cưới

Trên Threads, Facebook, TikTok, phía dưới nhiều bài viết về lễ thành đôi của nữ ca sĩ này, nhiều ý kiến cũng bày tỏ thắc mắc về những khái niệm liên quan đến nghi lễ trong đám cưới như: lễ dạm ngõ, lễ đính hôn, lễ vu quy, lễ thành hôn, lễ tân hôn.

Anh Trí cho biết lễ dạm ngõ là buổi gặp mặt thân mật giữa nhà cô dâu và chú rể nhằm thể hiện sự đồng thuận việc gả con trai và con gái của hai bên gia đình. Từ lễ dạm ngõ, hai bên gia đình sẽ hiểu về nhau nhiều hơn.

Còn lễ đính hôn (hay còn gọi là lễ ăn hỏi, đám hỏi) diễn ra sau lễ dạm ngõ. Khi đó, trong cuộc gặp gỡ này, hai bên gia đình sẽ hẹn hứa cưới gả cho cặp đôi. Sau lễ đính hôn, mặc định rằng cô gái và chàng trai đã có hôn ước cùng nhau. "Tại lễ đính hôn diễn ra ở phía nhà gái, phía nhà trai sẽ mang lễ vật đính hôn đến. Nhà gái nhận lễ vật để chấp nhận chàng rể", anh Trí nói.

Với lễ vu quy, sẽ diễn ra tại gia đình nhà gái. Đây là nghi lễ để báo với tiên tổ và mọi người trước khi đưa cô gái về nhà chồng.

Sau lễ vu quy, cô dâu sẽ theo chú rể về phía nhà chồng để tiếp tục tiến hành lễ tân hôn. Phía nhà trai sẽ thông báo với tổ tiên, quan viên… về việc nhận dâu.

Lễ thành đôi là gì?- Ảnh 2.

Lễ tân hôn được tổ chức ở phía nhà trai

ẢNH: THANH NAM

"Còn lễ thành hôn là hôn lễ của hai vợ chồng sau khi đã trải qua lễ vu quy, lễ tân hôn. Tại lễ thành hôn, cô dâu và chú rể sẽ có những chia sẻ cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục bố mẹ. Theo thời gian, lễ thành hôn ngày càng được đơn giản hóa, thường được tổ chức ở các nhà hàng tiệc cưới. Tại lễ thành hôn, mọi người sẽ cùng chúc phúc cho cặp tân lang tân nương và dự tiệc", anh Trí cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.