Lụa Mã Châu chỉ là một trong số nhiều chất liệu được sử dụng trong BST Fall/ Winter 2022 sắp ra mắt nhưng Lê Thanh Hòa vẫn dành nhiều tình cảm và muốn góp phần quảng bá rộng rãi làng nghề đến khán giả và công chúng. Workshop Thử nghiệm chất liệu trong thời trang là một trong những nỗ lực của nhà thiết kế 8X trong việc quảng bá lụa Việt, góp phần thay đổi góc nhìn của các khách hàng và tín đồ thời trang - những người vốn vẫn e ngại sự “đỏng đảnh" của lụa handmade.
NTK Lê Thanh Hòa. |
Tham gia trò chuyện tại workshop có hai khách mời là bà Trần Thị Yến - Phó Giám đốc Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu và Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2020 Phạm Ngọc Phương Anh. Tuy nhiên, vì mưa bão, bà Yến chỉ có thể bắt chuyến bay vào TP.HCM sáng 15.10.2022 nên không kịp tham gia talkshow. Đây cũng là một điều đáng tiếc bởi bà Yến là người có kiến thức chuyên môn về lụa cùng tình yêu sâu đậm dành cho lụa Mã Châu.
NTK cho biết cơ duyên đưa anh biết đến lụa Mã Châu là từ Á hậu Phương Anh, khi có lần Á hậu dùng khăn lụa làm quà cho khách quốc tế. Là một nhà thiết kế được đào tạo bài bản tại trường đại học Kiến Trúc TP.HCM, Lê Thanh Hòa am hiểu đặc thù của chất liệu lụa - rất khó xử lý. Anh từng phải làm đi làm lại nhiều lần ở các bộ sưu tập trước đây. "Tuy nhiên độ mượt mà, nét riêng của lụa khiến tôi bị thôi thúc phải ứng dụng ngay vào bộ sưu tập Thu Đông sắp tới. Tôi cũng quan niệm không nên thấy khó mà từ bỏ, ngược lại, biết ứng biến linh hoạt có thể mang lại những kết quả bất ngờ", nhà thiết kế 8X tâm sự. Anh cho biết trong quá trình chuẩn bị cho BST mới, có nhiều ý tưởng đã lên sẵn phải thay đổi để phù hợp với chất liệu mới khó tính, cầu kỳ như lụa.
Bạn trẻ thích thú sờ thử tay lên các xấp vải lụa, chụp ảnh lưu trữ và đặt nhiều câu hỏi xoay quanh cách đưa chất liệu lụa Việt vào bộ sưu tập thời trang hiện đại với các diễn giả.
Lụa Mã Châu làm thủ công hoàn toàn nên không thể tránh những lỗi kỹ thuật nhỏ. Tuy nhiên, nhà thiết kế vẫn đánh giá đây là điều làm nên nét tự nhiên và độc bản: “Được đến làng lụa Mã Châu và trực tiếp trải nghiệm, tôi cảm nhận được sự vất vả, kỳ công của người nghệ nhân làm lụa. Trong từng thớ vải và cả những khiếm khuyết là bao mồ hôi và nước mắt, điều này cũng làm nên dấu ấn riêng của lụa truyền thống”.
Trước workshop, Lê Thanh Hòa đã cùng ê kíp về tận Quảng Nam để trực tiếp khảo sát và lắng nghe những câu chuyện từ các nghệ nhân của làng nghề sản xuất lụa Mã Châu.
Chia sẻ về bí quyết xử lý lụa, NTK cho rằng điều khó nhất với anh vẫn là thuyết phục người tiêu dùng đón nhận vì đây là chất liệu kén người mặc và rất dễ nhăn. Về mặt kỹ thuật, anh ứng dụng những phương pháp xé vải, dập ly, xếp gấp chuyên nghiệp để khắc phục nhược điểm cũng như mang đến hình ảnh đặc trưng thiết kế của mình. Anh cũng phối hợp với thương hiệu giày Vascara làm nên những đôi giày bằng lụa Mã Châu 100% với mong muốn mang lụa vào cả thời trang lẫn phụ kiện hiện đại.
Giày cao gót làm từ lụa Mã Châu được NTK giới thiệu tại workshop. |
Góp mặt trong buổi workshop, Á hậu Phương Anh cũng bày tỏ cảm xúc với chất liệu lụa truyền thống: “Tôi rất tự hào và luôn mong muốn mang những giá trị truyền thống đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Ở lụa Mã Châu, tôi thấy được sự chân tình, mộc mạc mà cũng rất tinh tế, khéo léo của người Việt Nam. Thậm chí, ở lụa truyền thống còn có những chi tiết tuy không hoàn hảo như lụa công nghiệp nhưng chính những vết xước đó lại làm nên vẻ đẹp cá nhân của mỗi người”.
Phương Anh mặc trang phục làm từ lụa Mã Châu khi tham gia trò chuyện tại workshop. |
Diện một thiết kế làm từ lụa Mã Châu, Á hậu Phương Anh chia sẻ cô rất ngạc nhiên vì chất lụa này cực kỳ mát, thấm mồ hôi tốt lại ít nhăn và có thể làm sạch dễ dàng bằng sữa tắm, thay vì phải đem đi hấp.
Một số thiết kế từ lụa được NTK hé lộ trước thềm show diễn giới thiệu BST Fall/ Winter 2022.
Hình thành từ thế kỷ XV, làng lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nổi danh khắp nơi nhờ việc từng là vùng chuyên dệt nên dòng lụa hảo hạng, dành cho giới quý tộc và hoàng gia. Trong thời kỳ Đàng Trong giao thương với nước ngoài qua cảng Hội An, tơ lụa Mã Châu cũng là mặt hàng được ưa chuộng và xuất khẩu nhiều nhất. Làng dệt Mã Châu hiện có khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề dệt, trong đó chỉ duy nhất Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu của bà Yến là còn giữ được dệt lụa tơ tằm truyền thống với 100% tơ lụa tự nhiên. Bố của bà Yến đã gom nhặt những chiếc máy dệt công nghiệp bỏ đi để cải tiến thành loại máy dệt của riêng mình.
Vải Tằm Jean sử dụng 100% tơ tằm dệt theo cách thức đan chéo sợi tạo nên thớ vải bền chắc giống hệt vải denim, sau đó nhuộm với bột chàm. Chất vải giữ được trọn vẹn các đặc tính của tơ tằm thủ công: nhẹ, mát, ánh tơ nhẹ nhàng. |
Các thiết kế ứng dụng lụa Mã Châu của Lê Thanh Hòa sẽ được giới thiệu trong show Thu Đông 2022, diễn ra ngày 27.10 tại Hà Nội, do Long Kan làm tổng đạo diễn. Chương trình quy tụ khoảng 300 khách mời bao gồm celebs, doanh nhân, khách hàng, đối tác… của NTK.
Ảnh: Lương Khải Phúc Thịnh