Thật ra, việc sinh viên phản ứng cách tổ chức lễ tốt nghiệp của trường là không mới, và nó đã từng xảy ra ở nhiều trường trong những năm qua.
Lễ trưởng thành của khoa báo chí
Trước khóa 2005 - 2009, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM phải thuê hội trường làm lễ tốt nghiệp cho từng khoa riêng lẻ. Nhưng đến năm 2009, khi Hội trường nhà D của trường này xây xong, lãnh đạo trường tập trung tất cả các khoa vào đây để làm lễ. Vì đông đúc như vậy nên việc tổ chức phải nhanh chóng để đảm bảo thời gian.
Nhà văn Khải Đơn, khi ấy là một sinh viên lớp báo chí, kể lại: “Ngày 27.11.2009, tôi nhìn thấy những gương mặt buồn bã của nhóm tổ chức ngày lễ tốt nghiệp báo chí khóa 2005 - 2009 của mình. Cũng bởi năm nay nhà trường đổi lệ, gom ngần ấy khoa tốt nghiệp vào mấy ngày vội vàng, chụp giựt, ồn ào. Cũng bởi những bậc phụ huynh của các bạn chưa kịp ngồi nóng ghế xem con mình tốt nghiệp thì đã bị che mất tiêu bởi hàng trăm người dồn ép nhau tại hội trường dãy nhà D. Cũng bởi chúng tôi ào ào lên, ào ào xuống, cứ 1 khoa hơn 100 -200 người, cứ thế, cứ thế... Có những bạn, cha mẹ lặn lội từ Gia Lai, Nghệ An... vào nhìn con mình tốt nghiệp. Họ chưa kịp ôm, chưa kịp hôn, chưa kịp vỗ tay hay mừng tủi nhìn thành quả của con cái mình thì sinh viên đã... vội vàng chạy xuống để lớp khác lên. Có những người anh chị thất thểu xách đồ đạc cho em mình mặc áo cử nhân rồi... bị đuổi ra ngoài hội trường vì không phải là sinh viên tốt nghiệp. Có những người bạn chẳng kịp ào lên tặng bạn mình bó hoa thì đã bị xếp xó ngồi ngoài hành lang chờ hết lễ ra về mới mang hoa đến tặng”.
Với lý do đó, lần đầu tiên, lớp báo chí khóa 2005 - 2009 đã cùng nhau ký vào đơn, xin khoa được tổ chức một lễ tốt nghiệp của riêng mình. Lễ này được gọi là “Lễ trưởng thành”. Sinh viên góp tiền, thuê lại hội trường của trường, tự lên kịch bản, mời bố mẹ đến dự lễ. Phụ huynh và sinh viên có nhiều thời gian với nhau hơn. Nhiều giọt nước mắt đã rơi trong ngày này.
Từ đó, việc làm Lễ trưởng thành đã trở thành thông lệ cho sinh viên Khoa Báo chí - truyền thông. Năm nào sinh viên cũng đứng ra tự làm lễ, sau lễ tốt nghiệp chung của trường.
Nên để sinh viên quyết định
Vì sao sinh viên lại tự đứng ra làm Lễ trưởng thành? Vì họ muốn thời khắc tốt nghiệp của mình trở thành đặc biệt. Và nó cũng phải trở thành đặc biệt với cha mẹ của họ, những người đã làm việc quần quật để nuôi họ những năm đại học.
Có lẽ muốn có khoảnh khắc đặc biệt, muốn cha mẹ “nở mày nở mặt” cũng là lý do sinh viên Trường ĐH Hoa Sen phản ứng mạnh mẽ trong những ngày gần đây khi có thông tin tổ chức lễ tốt nghiệp tại trường. Nếu trường có hội trường lớn, đủ rộng để có mặt đầy đủ sinh viên và phụ huynh thì có lẽ không có phản ứng lớn như vậy. Sinh viên phản ứng vì theo một phương án dự tính, lễ tốt nghiệp phải tách ra từng khoa. Mỗi sinh viên chỉ được mời một phụ huynh tham dự. Một phụ huynh khác phải ngồi phòng bên cạnh, xem chương trình trực tiếp qua màn hình chiếu.
Trái ngược lại, năm 2016, lãnh đạo Trường ĐH Luật TP.HCM từng lâm vào tình huống khó xử khi quyết định tổ chức lễ tốt nghiệp tại một hội trường lớn bên ngoài. Lúc ấy, PGS-TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, lý giải là lãnh đạo trường chỉ muốn làm đến nơi đến chốn, có lễ tốt nghiệp đàng hoàng, tôn vinh tân cử nhân, đúng với vị thế. Trường chỉ có hội trường chứa được 300 SV, lễ tốt nghiệp có khi như cái chợ. Mỗi sinh viên phải mặc áo một lần, chưa kịp làm gì thì đã phải thay, chuyển sang cho bạn khác.
Nhưng muốn làm chuyên nghiệp thì không được vì với học phí 6 triệu đồng/sinh viên thì không thể tổ chức trang trọng tại một nơi khác. Trường dự định đổi mới việc trao bằng tốt nghiệp và có hai cách để nhận bằng. Một là sinh viên trực tiếp đến ký và nhận bằng tại phòng đào tạo (chỉ phải đóng 170.000 đồng). Cách thứ hai là trực tiếp tham dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (mỗi sinh viên đóng 900.000 đồng). Nếu có người thân tham dự, trường sẽ thu thêm 100.000 đồng/người. Số tiền này bao gồm một bộ lễ phục, chi phí thuê mặt bằng, chi phí công tác thực hiện buổi lễ, ảnh cá nhân.
Nhưng với đặc thù trường có đa số sinh viên gia đình khó khăn, sinh viên đã phản ứng dữ dội quyết định này. Cuối cùng, lãnh đạo nhà trường phải rút lại quyết định, tổ chức tại trường như mọi năm.
Cán bộ một trường ĐH cho rằng có thể so sánh việc này với việc tổ chức đám cưới. Tổ chức đám cưới ở nhà vẫn đảm bảo tính thiêng liêng của buổi lễ. Nhưng tổ chức tại nhà hàng sang trọng thì sẽ hoành tráng hơn. Điều quan trọng, cần lấy ý kiến của đối tượng chính là học viên, sinh viên. Họ nên là người quyết định mình sẽ đóng tiền dự lễ tốt nghiệp hoành tráng tại một nơi lộng lẫy hay trải qua giây phút ý nghĩa này tại ngôi trường mình theo học những năm qua.
Bình luận (0)