Đến chùa vào dịp lễ Vu lan tháng bảy âm lịch hằng năm, người dân thường được Phật tử trong chùa giúp cài bông hồng đỏ, hồng nhạt hoặc hồng trắng lên trên ngực áo. Nghi thức này không phải truyền thống của Phật giáo nhưng dần quen thuộc với người Việt.
Thầy Minh Thiền, trụ trì chùa Đức Hòa (TP.Dĩ An, Bình Dương) cho biết, câu chuyện bông hồng cài áo được khởi nguồn từ thiền sư Thích Nhất Hạnh. Theo đó, năm 1962, thiền sư được mời tham dự lễ tạ ơn – tôn vinh công ơn khó nhọc của người mẹ tại Nhật Bản. Khi ấy, sau khi người của ban tổ chức hỏi thăm người đồng hành với thiền sư đã cài bông hoa cẩm chướng màu trắng lên ngực áo Ngài.
Về sau, thiền sư biết được đó là "ngày của mẹ" theo tục phương Tây. Nếu còn mẹ thì được cài bông hoa màu hồng, nếu mất mẹ thì cài bông hoa màu trắng.
Thiền sư đem ứng dụng tại đạo tràng của mình. Ngài hướng dẫn đệ tử của mình rằng đây là dịp để nhắc con cháu nhớ công ơn của đấng sinh thành, Ngài mượn ngày Vu lan để cài bông hoa lên ngực áo.
Ý nghĩa màu sắc của bông hồng cài áo
Thầy Minh Thiền giải thích: Về đạo tràng của mình, thiền sư chọn hoa hồng. Ai được cài hoa hồng đỏ thắm là còn cả một bầu trời hạnh phúc yêu thương, còn cha mẹ để gần gũi, chăm sóc. Ai mất đi một trong hai đấng sinh thành thì mất nửa bầu trời, cài bông hoa màu nhạt hơn. Còn ai mất cả cha mẹ là mất cả bầu trời hạnh phúc, thành trẻ mồ côi giữa cuộc đời nên cài hoa màu trắng.
Không dừng lại trong quy mô đạo tràng, hình ảnh này lan rộng hơn, Phật giáo Việt Nam đã đón nhận đầy nhiệt huyết. Nhiều năm trở lại đây, mỗi mùa Vu lan về không chỉ nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện hiếu thảo của Mục Kiền Liên mà còn có lễ cài hoa hồng lên ngực áo.
"Khi cài bông hồng lên ngực áo là giây phút hoài niệm công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, là lúc người con nói lên lời hối lỗi bởi sai lầm của mình nếu có thiếu sót. Đó cũng là những giây phút để nhắc người con còn cha mẹ là còn hạnh phúc và phải biết trân quý điều này. Bông hồng cài áo nhắc mỗi người con nhớ sự khó nhọc lúc cha mẹ còn ở bên cạnh mình, tự nhắc dù cha mẹ còn hay mất thì đạo hiếu thảo vẫn giữ, phải sống tốt, hướng thiện giữa cuộc đời", trụ trì chùa Đức Hòa phân tích.
Thầy Minh Thiền nói thêm, trong lễ Vu lan, chúng ta cũng thường thấy những người xuất gia cài bông hồng vàng. Màu vàng này giống với màu y phục của người tu hành. Màu vàng nhắc nhở người tu hành thấy mình mang ơn mọi loài, tất cả chúng sinh; từ đó vững vàng đi trên con đường giác ngộ để giác ngộ cho bản thân đem đến niềm an vui cho chúng sinh.
Từ những ý nghĩa trên, người Phật tử và người hiểu Phật pháp đến chùa tháng 7 vì thấy rằng đây là tháng tươi đẹp, tràn đầy niềm vui của lòng biết ơn, sự hiếu thảo. Mọi người đến chùa cầu mong những điều tốt đẹp, an lành cho cha mẹ và cho mọi người.
Bình luận (0)