Thế nhưng sau gần 13 năm, chinh phục người nhà vẫn hết sức khó khăn với rất nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa dù "bí kíp" thực tế không có gì quá phức tạp.
Với lợi thế am hiểu thị hiếu người tiêu dùng từ cách bài trí; tư vấn - hướng dẫn sử dụng; giá cả ổn định và đặc biệt là chất lượng hàng hóa bảo đảm, Hãng bán lẻ Shinsegae đã dần kéo những người tiêu dùng Hàn Quốc ồ ạt đến tận mục sở thị những núi hàng cao ngất, giá rẻ khi Wal-Mart khai trương cửa hàng đầu tiên tại nước này quay trở lại với mình, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước. Còn VN, tính từ khi gia nhập WTO đã 12 năm. Trong quãng thời gian đó, chúng ta cũng đã ký thêm nhiều hiệp định song phương, đa phương và mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đầu năm nay, thế nhưng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... của chúng ta ở nhiều mặt hàng, ngành hàng vẫn thấp và dễ dãi hơn so với các nước. Thế là các DN xuất khẩu sang nước nào thì theo tiêu chuẩn của nước đó. Vào Nhật thì đáp ứng yêu cầu khắt khe của Nhật, qua Mỹ thì sản xuất đúng tiêu chuẩn của Mỹ. Còn sản xuất cho người tiêu dùng nội địa thì tất nhiên, đáp ứng đúng (thậm chí thấp hơn) quy định của VN. Từ đó mới hình thành nên dòng sản phẩm "chỉ dành cho thị trường VN" nghe thật đau lòng. Cũng vì lẽ đó, hàng trong nước khó khăn chinh phục người tiêu dùng trong nước. Việc này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bộ ngành có thẩm quyền. Lẽ ra, khi chúng ta hội nhập thì các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm, về sử dụng phụ gia trong sản xuất, chế biến, nuôi trồng, bảo quản... cũng phải tiệm cận thế giới. Thậm chí, phải đào sâu, nghiên cứu để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước, chứ không áp dụng máy móc để hàng hóa bị nước này, nước kia trả về, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN cũng như hàng hóa của VN.
Nếu vẫn duy trì tình trạng này, rồi sẽ đến lúc các hãng trên thế giới cũng sẽ có hàng hóa riêng cho thị trường VN với tiêu chuẩn, chất lượng thấp hơn, chỉ cần đáp ứng quy định trong nước là đủ. Lúc đó, sẽ dẫn đến nghịch lý, DN trong nước sản xuất hàng hóa tốt để bán cho nước ngoài, còn nước ngoài sản xuất hàng hóa dưới chuẩn (của họ) để bán vào thị trường VN? Vậy thì làm sao có thể trách người tiêu dùng trong nước "sính ngoại", tranh thủ ra nước ngoài tiêu tiền dù trong nước có thể sản xuất được.
Chúng ta tốn rất nhiều công sức phát động chương trình "Người Việt dùng hàng Việt", vậy thì đừng đẩy người tiêu dùng nội địa về phía hàng ngoại vì sự lệch chuẩn VN với thế giới một cách vô lý và dễ dãi như thế.
Bình luận (0)