Tại phiên họp Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là “ngành nông nghiệp giảm 0,78% do gặp nhiều khó khăn vì tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng ĐBSCL, nam Trung bộ, Tây nguyên và ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung làm giảm giá trị sản xuất nông nghiệp”. Phân tích của ông Dũng cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp đối với nền kinh tế, trong đó ĐBSCL chính là trung tâm. Vì vậy việc đặt nhà máy giấy ở vùng ĐBSCL, chỉ xét về mặt kinh tế cũng có thể gây ra những hệ quả lớn.
Rủi ro dây chuyền
Đến thời điểm này, công chúng chưa có nhiều thông tin về Nhà máy giấy Lee & Man, ngoài việc đây là nhà máy giấy lớn nhất VN, top 5 thế giới, nằm cặp dòng sông Hậu, sử dụng 80% nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm sản xuất ra là giấy bao bì và... được Bộ TN-MT cấp phép xả thải ra môi trường 50.000 m3/ngày đêm. Thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được, kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư trong những ngày đầu lập dự án là sử dụng nguồn nguyên liệu, hóa chất chủ yếu nhập từ Thái Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức... Khi đi vào hoạt động 100% công suất, doanh thu đạt khoảng 120 triệu USD/năm.
Với các thông tin này có thể thấy, Lee & Man chỉ đơn thuần thuê đất ở Hậu Giang để xây dựng một cơ sở gia công nhưng được hưởng các chính sách đãi ngộ của chính quyền địa phương và T.Ư. Quan trọng hơn, họ có thể vô tư sử dụng nguồn tài nguyên nước ngọt khổng lồ phục vụ cho quy trình sản xuất giấy. Dù quy mô dự án rất lớn nhưng lợi ích kinh tế thực sự đối với người dân thì không đáng kể mà những thiệt hại gây ra rất rõ ràng.
Các chuyên gia đã chứng minh, chất thải của nhà máy sẽ “bức tử” sông Hậu, “giết chết” cả vùng tây nam con sông này. Bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) phân tích, việc nhà đầu tư Lee & Man đưa ra phương án nhập tới 80% lượng giấy đã sử dụng để tái chế có nguy cơ đẩy ra môi trường lượng xút (NaOH) rất lớn, tới 28.500 tấn. Bên cạnh đó, nhà máy còn thải ra rất nhiều hóa chất độc hại khác nhau như hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), tecpen, rượu, phenol, metanol, acetone, chloroform, methyl ethyl ketone, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, bột màu, a xít, dung dịch kiềm. Nước thải từ xử lý giấy rất giàu các chất thiol, sulfur dioxide, sulfite và sulfide cũng như mùi hôi thối. Ngoài ra, nước thải từ công nghiệp tái chế giấy cũng chứa các sợi và nhựa từ giấy đã qua sử dụng. Nước thải cũng chứa chất tẩy trắng như hydrogen peroxide, chlorine dioxide và xút; Các chất ô nhiễm khác bao gồm: cao lanh, can xi cacbonat, talc và titan dioxite...
|
“Nó sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL, nơi chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước”, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng đã cảnh báo. Theo số liệu của Trung tâm cá thế giới (World Fish Center), thủy sản nước ngọt ĐBSCL ước tính 220.000 - 440.000 tấn/năm. Còn Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng thủy hải sản đánh bắt ven biển ĐBSCL khoảng 500.000 - 700.000 tấn/năm.
Hiện mỗi năm VN xuất khẩu thủy sản 6 - 7 tỉ USD, trong đó riêng tôm chiếm khoảng 50% kim ngạch. Thế mạnh của ngành thủy sản ĐBSCL mà đặc biệt là các tỉnh vùng tây nam sông Hậu chính là con tôm. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú - một doanh nghiệp ngành tôm hàng đầu thế giới cho biết hoàn toàn đồng tình với quan ngại của VASEP về nhà máy giấy ở Hậu Giang đối với sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Đó cũng là lo lắng chung của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thủy sản khu vực này.
Quan ngại của VASEP và một số địa phương là hoàn toàn có cơ sở. Khi sự cố môi trường xảy ra ở các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, gần như ngay lập tức Liên minh châu Âu đã tăng cường kiểm tra, giám sát hải sản nhập khẩu từ VN. Các doanh nghiệp kinh doanh ở miền Trung cho biết, thời điểm đó hàng hóa bị thông quan chậm và các nhà nhập khẩu cũng chậm thanh toán đơn hàng hơn so với bình thường. Nếu nhà máy giấy đi vào hoạt động sẽ “đầu độc” dòng sông, hệ sinh thái dần dần. Đến một lúc nào đó, môi trường sẽ bị hủy diệt, rủi ro có thể xảy ra với sản phẩm thủy sản, rau quả, lúa gạo... của VN trên thị trường thế giới. Đây là rủi ro dây chuyền vì thế mạnh của ĐBSCL là nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; tác động dây chuyền từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, người lao động và cả dịch vụ của địa phương.
Nông nghiệp âm sẽ kéo GDP giảm
Giải thích về vấn đề lựa chọn lợi ích kinh tế và rủi ro, GS Võ Tòng Xuân nói: “Tôi rất đồng ý với các chuyên gia môi trường là chúng ta không thể xây dựng nhà máy giấy ở vùng ĐBSCL. Điều này rất nguy hiểm. Giữa lợi ích kinh tế và rủi ro của nhà máy giấy đối với ĐBSCL, chúng ta thấy rõ phần rủi ro là rất lớn. Nhưng tại sao người ta vẫn cho đặt nhà máy giấy ở một khu vực nhạy cảm về môi trường? Vì cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay mỗi tỉnh thành như một quốc gia thu nhỏ. Tỉnh nào cũng muốn phát triển, thu hút đầu tư để công nghiệp hóa mà chưa nhìn rộng ra đến lợi ích và rủi ro của toàn vùng. Hậu Giang từng rất tự hào về việc thu hút được dự án tỉ đô này”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp là những nhóm ngành lan tỏa tích cực đến nền kinh tế trong nước. Nó ít lan tỏa đến nhập khẩu và ít ảnh hưởng đến môi trường như các ngành công nghiệp chế biến.
Một nghiên cứu của hai chuyên gia Bùi Trinh và Vũ Thành Tự Anh vừa hoàn thành, khi phân tích mối quan hệ vùng cũng cho thấy khu vực tây Nam bộ có sức lan tỏa tốt nhất đến thu nhập. Tính toán từ mô hình đã chỉ ra, nếu giá trị sản xuất nông nghiệp của khu vực tây Nam bộ giảm 10% sẽ làm GDP cả nước giảm 1,84%. Nếu tính cả hạn hán ở miền Trung, Tây nguyên và cá chết ở bắc Trung bộ thì ảnh hưởng đến GDP trên -2,5%.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra điều tương tự, thậm chí cho rằng vai trò của nông nghiệp còn quan trọng hơn. Chuyên gia Bùi Trinh kết luận: “Bảo vệ môi trường là quan trọng nhất cho hôm nay và ngày mai cả về phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân. Điều may mắn là gần đây Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố: Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư. Nếu ưu tiên hàng đầu của VN là vấn đề môi trường thì những ngành ảnh hưởng đến môi trường nhưng chỉ số lan tỏa thấp đến nền kinh tế mà giá cả lại đắt hơn sản phẩm nhập khẩu cần được thu hẹp hoặc triệt tiêu”.
Trả lời báo chí, ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hiện chúng tôi đã trình UBND tỉnh xin kinh phí khoảng 10 tỉ đồng để xây dựng trạm quan trắc tự động kết nối với Nhà máy giấy Lee & Man và các dự án khác tại các khu công nghiệp của tỉnh. Chúng tôi còn đề xuất Bộ TN-MT hỗ trợ kinh phí để trang bị hệ thống quan trắc môi trường hiện đại để quan trắc độc lập, đủ sức giám sát các dự án đang được triển khai dọc theo sông Hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”.
|
Lee & Man vi phạm, nhưng thanh tra tràn lan
Ngày 30.6, Tổng cục Môi trường đã họp triển khai quyết định thanh tra việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ngoài Công ty TNHH giấy Lee & Man VN còn có 29 doanh nghiệp khác thuộc các ngành nghề thủy sản, sản xuất bia, dược phẩm, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía đường...
Dư luận đặt câu hỏi tại sao không tập trung thanh tra nhà máy giấy để nhanh chóng trả lời những nghi vấn mà lại mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thanh tra? Vì thời gian của toàn bộ cuộc thanh tra đến 45 ngày làm việc là quá lâu đối với sự chờ đợi của người dân.
|
Có nên đầu tư các hệ thống quan trắc tốn kém ?
Câu chuyện cá chết ở Hà Tĩnh và Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang đã làm cho xã hội quan tâm nhiều hơn đến chuyện kiểm soát chất thải. Và có vẻ như những hệ thống quan trắc chất thải tự động được gắn vào đường ống xả thải rồi truyền dữ liệu trực tiếp cho cơ quan kiểm soát được xem là hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay. Quả thật, nếu có một hệ thống như vậy thì vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc lâu lâu cử một đoàn thanh tra đến nhà máy thu mẫu nước thải rồi đem đi phân tích xem nồng độ các chất gây hại có vượt quá tiêu chuẩn X, Y hay không?
Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay việc kiểm soát chất thải đã phát triển qua 3 giai đoạn: a) Giai đoạn pha loãng (dilution): Chất thải được xả thẳng vào môi trường đất, nước hay không khí; b) Giai đoạn xử lý cuối đường ống (end of pipe): Các thiết bị xử lý được lắp vào cuối đường ống xả và chất thải được xử lý trước khi xả vào môi trường; c) Giai đoạn sản xuất sạch (clean production): Chất thải được kiểm soát ngay trong quy trình sản xuất và các sản phẩm khi sử dụng xong không để lại rác cho môi trường - sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ở nước ta, từ trước năm 1993, hầu hết các nhà máy hay khu công nghiệp đều áp dụng cách pha loãng. Cho đến khi luật Bảo vệ môi trường ra đời và buộc các chủ đầu tư phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường thì các nhà máy xây dựng sau mới có hệ thống xử lý chất thải ở cuối đường ống.
Tuy vậy, điều quan trọng không phải là có hệ thống xử lý hay không mà là công nghệ xử lý chất thải như thế nào? Công nghệ đó phải làm hết chất ô nhiễm độc hại có trong chất thải, chứ không phải chỉ làm giảm nồng độ chất ô nhiễm cho thấp hơn ngưỡng cho phép trong tiêu chuẩn X, Y nào đó. Bởi vì nếu chỉ chăm chăm vào việc kiểm soát nồng độ, thì người “lách luật” có thể áp dụng bằng cách pha loãng trước khi xả ra, để bảo đảm nồng độ các chất ô nhiễm xả ra luôn luôn thấp hơn nồng độ quy định có trong bất kỳ tiêu chuẩn X, Y nào đó!
Bằng cách này, thì dù có lắp máy móc quan trắc hiện đại đến đâu cũng sẽ thấy nồng độ có trong chất xả thải luôn luôn đạt chuẩn, nhưng toàn bộ lượng chất thải thì đã được xả hết vào môi trường một cách “công khai” và “hợp pháp”!
Đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh luật, để kiểm soát khối lượng chất thải chứ không phải nồng độ chất thải như hiện nay!
TS Dương Văn Ni
|
Bình luận (0)