Dù sao đi nữa, rõ ràng phải có lý do để Bielsa mang biệt danh "El Loco" (gã điên). Thua với "tỷ số của môn quần vợt" mà vẫn có thể say sưa giải thích được rằng đội mình hay hơn... thì chịu. Lần gần nhất trước đó, một đội bóng do Bielsa dẫn dắt thủng lưới 6 bàn, là 28 năm trước, khi ông huấn luyện CLB Newell's Old Boys ở quê nhà Argentina. Tin hay không tùy bạn, nhưng quả đã tồn tại một câu chuyện giật gân ngang mức huyền thoại. Giới hâm mộ giận dữ vây kín cổng nhà Bielsa để "hỏi tội". Ông xuất hiện, với... quả lưu đạn trên tay, và dọa sẽ rút chốt nếu đám đông không chịu giải tán!
Đấy cũng là năm mà Bielsa đưa Newell's Old Boys vào trận chung kết Copa Libertadores 1992 (giải vô địch Nam Mỹ, tương tự Champions League của châu Âu bây giờ) và vô địch Argentina (giải Clausura). Ông được mời dẫn dắt đội tuyển Argentina từ năm 1998 và trọng dụng một "gã điên" khác, trong vai cầu thủ. Đó là tiền đạo Martin Palermo. Ngoài Bielsa, chỉ có một HLV khác sử dụng Palermo ở đội tuyển Argentina, và đấy có lẽ là HLV duy nhất... không biết huấn luyện: Diego Maradona, tại World Cup 2010.
Nói đến Palermo là phải nhắc lại sự kiện điên rồ, theo đúng nghĩa đen. Anh đi vào lịch sử với kỷ lục không ai muốn có: sút hỏng đến 3 quả phạt đền, chỉ trong một trận, mà đấy là một trận đỉnh cao (Argentina thua Colombia 0-3 tại giải Copa America 1999). Điều ít người nhớ (hoặc biết): khi Palermo liên tục sút hỏng phạt đền trong sân, thì ở bên ngoài, Bielsa... lãnh thẻ đỏ vì phản đối trọng tài!
|
Thời ấy, Argentina là một trong những ứng cử viên vô địch nặng ký nhất trước thềm World Cup 2002. Cứ quên đi mọi sơ đồ chiến thuật, bởi Bielsa đương nhiên là sẽ áp dụng công thức "3-7", bất kể đấy là sơ đồ 3-4-3 "đúng sách" hay 3-3-1-3 theo cách diễn giải cầu kỳ của báo giới. Cứ phải có 3 hậu vệ, đơn giản vì không thể ít hơn được nữa. Còn lại là 7 cầu thủ chơi thiên về công, để tận dụng triệt để tài năng của bóng đá Argentina khi ấy (và bấy nhiêu là vẫn chưa đủ để giải quyết chỗ đứng cho hàng chục ngôi sao thượng thặng trong tay Bielsa). Kết quả: đội bóng có Pablo Aimar, Ariel Ortega, Juan Veron, Gabriel Bastistuta, Hernan Crespo... chỉ ghi vỏn vẹn 2 bàn và bị loại ngay sau vòng bảng World Cup 2002. Chơi thiên về công không có nghĩa sẽ ghi bàn nhiều.
Bielsa phải cố nói cho được, rằng Leeds hay hơn M.U (dù thua 2-6), một phần là để đáp trả bình luận viên Gary Lineker, người vừa cho rằng Leeds vừa là đội bóng ưa thích của khán giả trung lập, vừa là... đội bóng được mọi đối thủ ưa thích! Theo Bielsa, kiểu bình luận của Lineker là "nói láo ăn tiền", và khi những người có sức ảnh hưởng lớn nói ra những điều như thế thì rất tai hại. Bielsa khẳng định sẽ luôn trung thành với phong cách bóng đá của mình, Leeds sẽ vừa đá đẹp, vừa có kết quả tốt.
Bình luận của Lineker chẳng phải là vô lý. Và trong khi Bielsa cố dùng "võ mồm" để khẳng định Leeds vừa đá đẹp, vừa có kết quả, thì thực tế đang cho thấy điều ngược lại. Leeds đã tụt dần từ vị trí số 6 xuống số 14 trong bảng xếp hạng Premier League, sau 8 vòng đấu. Thêm 4 bậc nữa thì sẽ rớt luôn vào nhóm đội xuống hạng. HLV Andre Villas-Boas gần đây từng nói: "Đấy là một scandal, khi FIFA mà đưa Bielsa vào vòng bình chọn HLV hay nhất thế giới trong năm 2020"!
Đúng là Leeds luôn chơi thiên hẳn về công, ghi bàn rất nhiều. Nhưng họ thủng lưới còn nhiều hơn - cụ thể là nhiều nhất Premier League hiện thời. Đấy không bao giờ là kết quả tốt đẹp của trường phái "phòng thủ bằng cách tấn công". Trong 30 bàn thủng lưới của Leeds, chỉ có 2 bàn thua vì đối phương phản công. Có đến 9 bàn thua vì tình huống cố định, nhiều nhất giải (chưa tính 5 bàn thua vì phạt đền). Vậy, không thể nói Leeds ham tấn công nên dính đòn phản công. Phải nói là họ thủng lưới nhiều vì phòng thủ không đúng cách (thua vì tình huống cố định là cái thua nói lên điều này).
Đừng tưởng Lineker chỉ nói giật gân để "câu view". Ai cũng muốn đá với Leeds là tình trạng có thật, bởi dễ tấn công, dễ ghi bàn. Và khi tất cả đều tập trung tinh thần, lực lượng cho trận gặp Leeds với hy vọng sẽ có 3 điểm, thì... rớt hạng chứ chẳng đùa.
Bình luận (0)