Lên chức mà buồn !

19/02/2013 03:50 GMT+7

Có lẽ phần lớn giáo viên trực tiếp đứng lớp không mấy ai nuôi “mộng” làm cán bộ phòng GD-ĐT. Nhưng mơ hay không là một chuyện; còn sắp xếp, phân bổ, điều động, thuyên chuyển cán bộ lại là chuyện khác.

Ở các trường, giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, hiệu trưởng, hiệu phó có kinh nghiệm quản lý tốt thường được đưa lên làm chuyên viên hoặc lãnh đạo phòng. Những nhà giáo trong diện này được gọi là tiến thân, lên chức. Nhưng khổ nỗi, họ đang đối mặt với một nghịch lý chức thì lên mà lương lại… xuống.

 Nhiều giáo viên được “thăng cấp” cho rằng lên phòng là một sự đổi thay không hề dễ chịu. Tất cả chỉ vì các khoản phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút (nếu đang công tác ở trường thuộc vùng khó khăn) bị cắt. Ngay cả phụ cấp chức vụ (nếu đang là hiệu trưởng, hiệu phó) cũng bị hạ xuống. Ở trường, nếu một giáo viên có tổng thu nhập 6 triệu đồng/tháng thì khi lên phòng với chức danh chuyên viên, thu nhập chỉ còn khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng.

 Nhà giáo thường hay “chơi chữ”. Có người nói thăng tiến mà không… thăng tiền là điều phi lý. Cũng có người cho rằng câu chuyện “lên chức mà xuống lương” chứng tỏ chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo là cán bộ cấp phòng chưa xứng đáng. Nó còn thể hiện “chiếc áo” tài chính đã quá cũ và cũng đã quá chật.

Cũng cần thấy rằng cán bộ phòng bị áp lực công việc rất lớn. Ngoài thời gian công tác tại cơ quan, họ còn phải dự các cuộc tập huấn, đi kiểm tra các cơ sở giáo dục trong quận (huyện), giúp các trường xây dựng mạng lưới chuyên môn, triển khai thực hiện công tác phong trào… nên ít có thời gian làm thêm để cải thiện đời sống. Đã thế, các khoản phụ cấp lại đội nón ra đi. Đó là một thiệt thòi không nhỏ.

 Nhưng “chỉ số” thiệt thòi không dừng lại ở đó. Gần đây, các cán bộ phòng lại không được xếp vào diện hưởng phụ cấp thâm niên giảng dạy theo Nghị định 54/2001/NĐ-CP. Công bằng mà nói, họ chấp hành sự điều động của tổ chức mà rời bục giảng chứ có mấy ai mong. Do vậy họ rất cần một chế độ đãi ngộ tương tự nào đó. Còn nếu nói hiện giờ họ đã thoát ly giảng dạy nên không phải là đối tượng của nghị định trên thì thời gian đứng lớp của họ trước khi lên phòng cần phải được ghi nhận và giải quyết quyền lợi thỏa đáng chứ không nên  “xí xóa”.

 Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.