Lên cơn nhồi máu cơ tim sau 3 ngày mệt, đau ngực

06/02/2024 12:43 GMT+7

Nam bệnh nhân (51 tuổi, ngụ Tây Ninh) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, nguy kịch.

Ngày 6.2, bác sĩ chuyên khoa 1 Lý Thị Trúc Nhi, bác sĩ Nội tim mạch - Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết bệnh nhân được chuyển từ đơn vị y tế trong khu vực đến bệnh viện trong tình trạng báo động đỏ cấp cứu liên viện. Bệnh sử ghi nhận bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường loại 2, khoảng 3 ngày nay bệnh nhân than mệt kèm đau ngực sau xương ức, có điều trị nội khoa không thuyên giảm, mệt nhiều hơn kèm đau ngực, khó thở.

Ngay khi vừa tiếp nhận, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, huyết áp khó đo, màn hình theo dõi nhịp tim bệnh nhân xuất hiện rung thất, ngưng tim. Tua trực cấp cứu đã nhanh chóng thực hiện ép tim, sốc điện, hồi sức tích cực cho bệnh nhân.

Với kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ cấp cứu và bác sĩ tim mạch đã đưa ra chẩn đoán, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp chênh lên thành dưới biến chứng rung thất, tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2, rối loạn lipid máu. Tiên lượng bệnh khó qua khỏi nếu không xử trí kịp thời, tua trực cùng ê kíp can thiệp mạch vành chuyển bệnh nhân lên đơn vị can thiệp mạch DSA xử trí cấp cứu.

Lên cơn nhồi máu cơ tim sau 3 ngày mệt, đau ngực- Ảnh 1.

Hình ảnh trước và sau khi can thiệp mạch vành cứu bệnh nhân

BSCC

Các bác sĩ nhanh chóng can thiệp mạch vành. Kết quả chụp mạch vành bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy bán tắc một đoạn động mạch vành phải. Ê kíp nhanh chóng xử trí đặt stent vào đoạn động mạch vành phải bị tắc, tái lưu thông máu hiệu quả, giúp bệnh nhân qua khỏi nguy hiểm. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân giảm đau tức ngực, không còn khó thở, nhịp tim về bình thường, không còn xuất hiện rung thất. Bệnh nhân đã được xuất viện sau 9 ngày điều trị.

Bác sĩ Trúc Nhi cho biết, những trường hợp nhồi máu cơ tim có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp phức tạp, nguy hiểm như trường hợp này thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, trong quá trình can thiệp cũng có nguy cơ ngừng tim ngay trên bàn can thiệp. Can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên được xem là biện pháp điều trị hàng đầu giúp cải thiện nguy cơ tử vong và biến chứng.

"Khi phát hiện dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp như đau ngực hoặc tức ngực, khó thở, vã mồ hôi,… thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên môn cấp cứu để điều trị kịp thời trong khung giờ vàng", bác sĩ Trúc Nhi khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.