|
Đêm cày game, sáng vật vờ
Ngọc Quế, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thừa nhận: “Hồi đó mình ở xóm trọ có đông SV. Buổi tối không bao giờ các bạn ngủ trước 12 giờ mà thường đến 1, 2 giờ sáng mới bắt đầu ngủ. Thời gian đầu mình không quen nhưng mọi người như thế, mình không theo cũng khó. Tối nào họ nào cũng xem phim, cày game, chát chít… có khi tới 2 - 3 giờ sáng. Vì vậy, sáng ra không tài nào đến lớp đúng giờ, mà nếu đến lớp được thì cũng ngủ gà ngủ gật trên giảng đường, kết quả là không nắm được nội dung bài giảng”.
|
Trong khi đó tại những trường áp dụng hình thức điểm danh để đánh giá điểm chuyên cần đối với SV, nhiều SV cúp học thường xuyên đã thuê người đi học hộ hoặc điểm danh giùm để có đủ điểm chuyên cần.
Trần Thị Trang, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Nhiều bạn thường chỉ đến lớp để điểm danh rồi bỏ về, nên khi nào điểm danh cũng khá đông và khi điểm danh xong lớp vắng hơn lúc trước. Thậm chí nhiều SV còn nhờ bạn điểm danh hộ, chứ họ không hề đến lớp”.
Đừng phí thời gian vào những việc vô bổ
Môi trường ĐH ít chịu sự quản lý của gia đình khiến nhiều SV đang đi ngược nhịp sinh học: “ngủ ngày cày đêm”.
Ông Trương Tuệ Minh, Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng thừa nhận rằng hiện nay nhiều SV có một số thói quen xấu như: lên lớp làm việc riêng, nói chuyện riêng trong lớp không tập trung vào nội dung lớp học. Đặc biệt là sử dụng điện thoại di động để làm việc riêng, chơi game trong lớp. Thậm chí, họ còn uống rượu bia quá nhiều.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Phan Ngọc Anh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng còn có một bộ phận nhỏ sinh viên tồn tại những thói hư tật xấu. “Việc không chú tâm vào học tập mà phần lớn thời gian làm những việc vô bổ, không đến lớp thường xuyên, làm ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân là mất kiến thức, lãng phí tiền bạc của gia đình, đặc biệt là dẫn đến việc phát triển tương lai bị hạn chế. Và hệ lụy trước mắt là nợ môn và khó có thể tốt nghiệp ra trường đúng thời hạn”, ông Anh nói.
Theo ông Minh, nguyên nhân của thực trạng này là do SV chưa biết cách sử dụng thời gian, tiền bạc hợp lý. Chưa ý thức được vai trò của học tập đối với tương lai bản thân, đôi khi học theo mong muốn của cha mẹ. Ngoài ra họ chưa có phương pháp học tập hiệu quả, dẫn đến cảm thấy không hứng thú với việc học.
Ông Minh cũng khuyên: “Những ngày tháng trên giảng đường ĐH là khoảng thời gian quý giá để bồi dưỡng tri thức, rèn luyện kỹ năng. Vậy nên SV đừng bỏ phí. Đã có nhiều bài học nhãn tiền là khi đi làm, nhiều SV phát hiện mình đã bỏ lỡ rất nhiều tri thức ở giảng đường. Lúc đó mới quay lại tìm hiểu thì gặp rất nhiều khó khăn do áp lực công việc, thời gian”.
“Các trường nên chú trọng vào các biện pháp nhằm giúp SV nâng cao ý thức học tập, biết cách quản lý và sử dụng thời gian, tiền bạc hợp lý. Đồng thời, các trường cần giới thiệu những phương pháp học tập hiệu quả để giúp SV cảm thấy hứng thú học tập, nghiên cứu”, ông Minh, nói.
Lê Thanh - Thanh Nam
>> Chông chênh giấc mơ giảng đường đại học
>> San hô Hoàng Sa đến giảng đường đại học
>> Những giám đốc từ giảng đường đại học
Bình luận (0)