ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) |
ảnh: sawaco |
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) để nắm rõ hơn về những phương án này.
- Hè 2021, Mỹ lâm vào hạn hán trầm trọng. Trước đó, Đài Loan cũng đã trải qua cuộc khủng hoảng nước sau mùa hạn kéo dài năm 2020. Có thể thấy khủng hoảng nước sạch không còn là chuyện xa lạ trong tương lai ở nhiều nơi trên thế giới. Với ngành nước của Việt Nam thì sao, thưa ông?
Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và khối lượng nước sạch trong tương lai. Chúng ta cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ những biến đổi này. Chất lượng nước tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra tình trạng bão lụt, hạn hán bất thường, hay những yếu tố ô nhiễm từ môi trường. Tại TP.HCM, có những thời điểm vào năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hàm lượng muối trong nguồn cấp nước đã vượt ngưỡng cho phép, buộc phải ngưng lấy nước trong một vài thời điểm trong ngày.
Vì thế, SAWACO đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn như điều phối nguồn cấp nước, điều chỉnh nhịp nhàng với nước từ hồ chứa để đảm bảo quá trình cấp nước không bị gián đoạn. Song song, đảm bảo những giải pháp lâu dài cho nguồn nước sạch như từ hồ thủy điện, hồ chứa, các trạm bơm và phân phối nước. Đồng thời, chúng tôi luôn để mắt theo dõi, tham gia và tìm kiếm các giải pháp từ nhiều nước bạn, trong các tình huống cụ thể tương tự Việt Nam để tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, các mối nguy hiện hữu của ngành nước chưa phải tác động từ thiên nhiên mà từ chính các hoạt động của con người.
- Ông có thể nói rõ hơn nhận định này?
Đơn cử như tại TP.HCM, hiện nay, hệ thống cấp nước của thành phố được lấy từ 2 nguồn chính là sông Sài Gòn (tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi - chiếm khoảng 25% tổng công suất - và tại kênh N47 thuộc nhánh nhỏ của kênh Đông lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng - chiếm khoảng 8,5% tổng công suất); sông Đồng Nai tại chân cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai (chiếm khoảng 60,5% tổng công suất phát nước).
Hai dòng sông này đều là hạ nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và được điều tiết bởi 2 hồ chứa phía thượng nguồn. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam với nhiều khu công nghiệp, khu nông nghiệp và khu đô thị mới dọc theo lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đặc biệt trên sông Đồng Nai là nơi có lượng giao thông thủy diễn ra khá tấp nập. Các điểm khai thác nước thô của TP.HCM lại là khu vực hạ nguồn của hệ thống sông Đồng Nai nên sẽ có một số nguy cơ đối với nguồn nước thô như: tràn dầu từ hoạt động giao thông thủy, chất thải từ các hoạt động kinh tế và xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông.
Hiện nay, nguồn nước từ hệ thống sông Đồng Nai đang có dấu hiệu ô nhiễm nếu so với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường “về nước mặt dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt có thông qua các công nghệ xử lý nước thông thường”. Có một số chất vượt ngưỡng tiêu chuẩn như: hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng khoảng hơn 10 lần cho cả sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; hàm lượng ammoniac đặc biệt tại sông Sài Gòn vượt ngưỡng 3 - 5 lần; ô nhiễm hữu cơ ở chỉ tiêu DO thấp hơn quy chuẩn 2 - 3 lần…
- Công nghệ xử lý nước của chúng ta có đảm bảo chất lượng nước sạch trong điều kiện chất lượng nước như vậy?
Chắc chắn! Chúng tôi đảm bảo các công nghệ xử lý nước tại các nhà máy xử lý nước của TP.HCM vẫn đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp ra mạng lưới luôn đáp ứng theo quy chuẩn mà Bộ Y tế ban hành. Hiện nay, sản lượng cung cấp nước của SAWACO là 1,9 triệu m³/ngày. Mạng lưới cung cấp nước của SAWACO đã phủ kín toàn địa bàn thành phố (chỉ trừ huyện Củ Chi).
Để đảm bảo cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định, SAWACO hiện nay đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn như thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online, các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản (như nồng độ ô xy hòa tan, ammoniac, độ đục, độ mặn, lượng dầu tràn bề mặt…) để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này. Cùng với đó, tăng cường lượng hóa chất dự phòng và các thiết bị châm hóa chất để đảm bảo đáp ứng khi có nguồn nước xảy ra. Song song, phối hợp với các đơn vị vận hành các hồ chứa nước đầu nguồn để kịp thời hỗ trợ xả nước để đẩy mặn; pha loãng ô nhiễm hoặc đẩy chất ô nhiễm ra khỏi vùng lấy nước.
Đối với mạng lưới cấp nước, SAWACO lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều phối nguồn nước khi có sự cố xảy ra, đảm bảo khả năng cấp nước cho TP.HCM ở mức nhiều nhất có thể. Chúng tôi cũng đã có phương án cấp nước khẩn cấp thông qua việc vận hành trở lại 46 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm trên toàn thành phố. Từ đó, đảm bảo cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân (khoảng 5 lít nước/người/ngày).
- Còn các giải pháp dài hạn thì sao, thưa ông?
Về lâu dài, để đảm bảo cho an toàn cấp nước, chủ động ứng phó với các nguồn nước bị biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nguồn nước bị ô nhiễm, SAWACO đã phối hợp Sở Xây dựng đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận thông qua “Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050, và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn ngầm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030”. Trong đó, có các giải pháp căn cơ như: Xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn. Các hồ chứa này vừa là nơi tiền xử lý nước giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên vừa đảm bảo trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn. Dự án này hiện nay đang trong giai đoạn khảo sát lập báo cáo khả thi để triển khai.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng các bể chứa ngầm trong thành phố với mục đích là nơi đảm bảo ổn định áp lực cho toàn hệ thống, đồng thời cũng là nơi dự trữ nguồn nước sạch để đảm bảo an toàn cấp nước trong trường hợp xảy ra các sự cố tại các nhà máy xử lý nước.
Đối với các thủy đài đã được xây dựng và hoàn thành từ những năm 1970 mà không có các hồ sơ pháp lý để đưa vào sử dụng, SAWACO cũng đã kiến nghị lên UBND TP sẽ sử dụng lại các mặt bằng này để làm nơi cấp nước an toàn cho thành phố. Chúng ta có thể xây bể chứa ngầm hoặc làm trạm bơm tăng áp, nơi điều hòa mạng lưới cấp nước… tại đây.
Nhân viên Nhà máy nước Thủ Đức giám sát chất lượng nguồn nước online đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp ra mạng lưới luôn đáp ứng theo quy chuẩn mà Bộ Y tế |
Theo các nghiên cứu, 97% nước trên bề mặt trái đất là nước mặn và duy nhất 3% nước ngọt con người có thể sử dụng. Tốc độ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nước tăng cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3% lượng nước ngọt đó. Dự báo đến năm 2050 sẽ có tới 3,9 tỉ người trên thế giới không có nước sạch để sử dụng. Điều đó có nghĩa là cứ 5 người trên thế giới thì có tới 2 người phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng.
Bình luận (0)