Lên mạng nghe sách

23/07/2021 06:05 GMT+7

Nỗ lực của nhiều cá nhân và tổ chức về phát triển sách nói (audio book) tại VN cho thấy tương lai khả quan của thị trường này.

Xu hướng muốn nghe hơn đọc

“Audio book đang là một xu hướng trong thời đại nhiều người muốn nghe hơn muốn đọc, ai nấy đều bận rộn và ít thời gian”, tác giả Nick M lý giải quyết định thực hiện phiên bản audio book cho cuốn sách Cũ vừa ra mắt của mình và nhìn nhận: “Nhiều tác giả trẻ hiện nay thường thực hiện phiên bản audio book cho mỗi cuốn sách ra mắt”.
Phiên bản audio book của Cũ được thực hiện ở định dạng cassette. “Tôi thích cảm giác ai đó cầm cuốn băng, ấn nút bật nghe những giai điệu xưa cũ và giọng nói của chính tôi trong phiên bản giới hạn audio book này”, tác giả chia sẻ.
Cassette là định dạng mới với phiên bản audio book và mang tính chất lưu niệm nhiều hơn. Những định dạng phổ biến của audio book là USB, đĩa CD, hay phát hành trên những nền tảng trực tuyến như YouTube, Soundcloud, những trang web, ứng dụng sách nói…
Thời gian qua, nhiều đơn vị xuất bản như Nhã Nam, Alphabooks, Phương Nam Book, First News - Trí Việt… đã có mặt trên những dịch vụ cung cấp sách nói mà chủ yếu là trên nền tảng trực tuyến. Cùng với đó, nhiều đơn vị kinh doanh sách nói có bản quyền và thu phí đã ra đời, cho thấy tín hiệu khả quan về thị trường chuyên nghiệp cho sách nói.
Tháng 4.2020, Fonos - một trong những ứng dụng sách nói có bản quyền và thu phí đầu tiên tại VN, đã ra mắt. “Tôi và người bạn đồng sáng lập Fonos từ lâu đã có thói quen cập nhật thông tin, kiến thức qua những nền tảng sách nói của nước ngoài. Sau một thời gian sử dụng, chúng tôi nhận thấy sự hiệu quả của những nền tảng này. Nhìn lại thị trường trong nước, số người VN sử dụng điện thoại rất lớn, bên cạnh đó, việc thanh toán online đã phổ biến hơn. Cùng với đó, nhiều người bận rộn không có đủ thời gian ngồi tập trung đọc sách, nhưng lại có nhu cầu tìm kiếm công cụ để tiếp cận gần hơn với kiến thức, thông tin qua những trang sách. Chính từ những yếu tố ấy, chúng tôi mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực này”, chị Xuân Nguyễn, người đồng sáng lập ứng dụng Fonos, lý giải.
Sau hơn 1 năm xuất hiện, đến nay đã có hơn 200.000 lượt người tải ứng dụng Fonos. Hiện tại, ứng dụng này cung cấp hơn 200 đầu sách, hầu hết là những cuốn bán chạy trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục mở rộng nhiều đầu sách mới trong năm nay.
Lên mạng nghe sách1

Tác giả Nick M thực hiện định dạng cassette cho phiên bản audio book của cuốn Cũ vừa ra mắt

Cần môi trường để phát triển

Hiện những trang web sách nói miễn phí đang tồn tại song song với những trang web hay nền tảng cung cấp dịch vụ sách nói có thu phí. Tuy nhiên, đứng ở góc độ của nhà kinh doanh, chị Xuân Nguyễn cho rằng ứng dụng sách nói chẳng hạn như Fonos không phải “cạnh tranh” với những trang web sách nói miễn phí đã có từ nhiều năm trước.
“Trước hết, không phải cuốn sách nào cũng có thể làm sách nói. Chúng tôi phải lựa chọn kỹ các đầu sách phù hợp với 2 tiêu chí, đầu tiên là sách bán chạy hoặc nội dung sách có giá trị, thông điệp tốt đến cộng đồng. Hơn nữa, tất cả sách chúng tôi cung cấp đều có 100% bản quyền và được cấp độc quyền, tức là khách hàng không tìm được những đầu sách đó ở nền tảng sách nói khác tại Việt Nam.
Tiêu chí thứ hai là đầu tư vào chất lượng sản phẩm với việc tuyển chọn những giọng đọc chuyên nghiệp phù hợp cho từng loại sách và tựa sách. Tôi nghĩ ngoài nội dung cuốn sách, lý do tiếp theo mà khách hàng muốn nghe một cuốn sách còn ở giọng đọc. Do đó, dù sách nói có miễn phí mà giọng đọc không phù hợp thì họ cũng sẽ không muốn nghe”, chị Xuân Nguyễn lý giải.
Về vấn đề bản quyền, theo chị Xuân Nguyễn, các nhà cung cấp nền tảng như YouTube, Spotify, Apple… có quy định về bản quyền chặt chẽ. “Chúng tôi đã và vẫn tích cực làm việc với các bên đối tác để gỡ những bản lậu xuống, bảo vệ lợi ích cho mình cũng như của tác giả và những bên liên quan khác khi đưa sách ra thị trường”, chị cho hay.
Tuy nhiên, không phải không có ý kiến e dè trước vấn đề này. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Giám đốc Công ty Chibooks) bày tỏ: “Không ít người vẫn có thói quen đọc, nghe sách “chùa” dù chi phí phải chăng trong khi việc “thuổng” những sản phẩm này trên nền tảng số lại có thể diễn ra rất nhanh”, đồng thời bày tỏ luật Xuất bản cần thay đổi với sức răn đe mạnh hơn.
Về xu thế phát triển của sách nói tại Việt Nam, chị Xuân Nguyễn bày tỏ góc nhìn lạc quan: “Ngay trong lúc dịch bệnh Covid-19 này, có thể thấy việc chuyển đổi số những sản phẩm văn hóa đang diễn ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, nhịp sống hiện đại. Sách nói là giải pháp đáp ứng nhu cầu cho những người bận rộn. Họ có thể trả phí nghe nhạc, xem phim trên mạng và giờ trả phí để nghe đọc sách giống như một kênh giải trí khác. Dựa vào những điều đó, có thể tin tưởng sách nói sẽ phát triển mạnh hơn nữa”.
Cũng có chung quan điểm này, tuy nhiên dịch giả Nguyễn Lệ Chi còn chờ đợi về việc thay đổi môi trường cho sách nói tại Việt Nam. “Sách nói chỉ thực sự phát triển tốt khi pháp luật có những quy định chặt chẽ, còn nếu vẫn lỏng lẻo thì khó nói trước được điều gì”, bà nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.