Lên núi làm giàu

28/11/2014 08:20 GMT+7

Vốn ở TP.Hà Nội, nhưng gia đình bà Lâm Thị Lệ lại tìm đến tận thôn Măng Đen, xã Măng Cành, H.Kon Plông (Kon Tum) để thành lập Hợp tác xã Lan Rừng, chuyên nuôi trùn quế và chăm sóc phong lan rừng cho thu nhập tiền tỉ.

Trùn quế được sấy khô bán ra thị trường
Trùn quế được sấy khô bán ra thị trường - Ảnh: Phạm Anh

Thu tiền tỉ từ nuôi trùn quế

Đưa khách tham quan khu nuôi trùn quế khoảng 0,5 ha, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Lan Rừng, ông Nguyễn Hữu Thông giãi bày: “Không nuôi con gì dễ mà có lời, sạch sẽ, tận dụng triệt để như nuôi trùn quế. Bởi trại nuôi trùn quế đơn giản: mái lợp tôn và lá, còn dưới nền là đất và lớp phân bò phủ lên trên.” Lấy xẻng xúc nhè nhẹ từ lớp đất lên, ông Thông chỉ cho xem vô số con trùn quế màu đỏ chi chít, con lớn nhất to gần bằng cây hương, còn nhỏ chỉ như cây chân hương.

 

Nhân rộng mô hình

Chủ tịch UBND H.Kon Plông (Kon Tum), ông Nguyễn Văn Lân cho hay, qua cách nuôi trùn quế hiệu quả của Hợp tác xã Lan Rừng, địa phương đã triển khai nhân rộng cách nuôi trùn này ở nhiều xã trong huyện, góp phần ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. “Hợp tác xã còn đứng ra thu mua trùn quế nên người nuôi trùn quế địa phương không lo ngại đầu ra”, ông Lân nói.

Năm 2012, khi đưa về nuôi trùn quế tại Hợp tác xã Lan Rừng ở khu du lịch sinh thái Măng Đen này, gia đình ông Thông chuyển mấy kg con giống từ Hà Nội vào bằng… máy bay. “Nuôi thì không sợ, nhưng ngại đầu ra. Thế nhưng sau thời gian nuôi thì trùn quế bán không kịp ra thị trường”, ông Thông nói.

Vậy là sau thời gian e dè, gia đình ông Thông mạnh dạn đầu tư quy mô và đến thời điểm hiện nay là gần 0,5 ha diện tích nuôi. Theo ông Thông, nuôi trùn quế rất dễ: chỉ cần tạo đất cho trùn quế ở, rồi hằng ngày mang các loại chất thải của trâu, bò, heo… phủ lên trên. Cứ thế, sau 40 ngày là lấy trùn quế 1 lần: 1m2 cho 12 kg trùn quế tươi và theo nhu cầu đặt hàng, gia đình ông Thông mang ra sấy khô, cứ 5 kg trùn quế tươi cho 1 kg khô. Theo đó, giá trùn quế tươi là 60.000 đồng/kg, trùn quế khô 250.000-300.000 đồng/kg. Mỗi năm hợp tác xã này sản xuất ra 3,6 tấn trùn quế tươi, cho doanh thu trên 2,1 tỉ đồng.

“Tiêu thụ sản phẩm ở đâu?”, chúng tôi hỏi. Ông Thông cho hay: bán thị trường Hà Nội, Sài Gòn, bán cho các hộ nuôi cá tầm khi cá còn nhỏ, bán cho trang trại nuôi gà, vịt, làm ra được bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Điều đặc biệt là, trùn quế còn có tác dụng chữa bệnh kiết lỵ, sốt rét, huyết áp cao… nên Hợp tác xã Lan Rừng còn tiến tới việc làm rượu từ trùn quế. Hiện nay sản phẩm rượu này đã sản xuất nhưng còn trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa tung ra thị trường.

Vừa chơi vừa thu tiền từ… lan rừng

Đỗ Thế Anh (con trai của Chủ nhiệm Hợp tác xã Lan Rừng, bà Lâm Thị Lệ), cho hay: tất cả mọi sản phẩm từ trùn quế mà gia đình làm đều không bỏ cái gì, ngay cả phân trùn cũng được tận dụng ngâm nước tưới hàng trăm giò phong lan rừng và lan hồ điệp ở đây. “Với trùn quế thì nuôi kinh doanh thật, nhưng với phong lan rừng, vừa chơi vừa… bán, thu nhập cũng tương đối rồi”, Thế Anh nói.

 Giàn phong lan rừng với hàng trăm giò quí hiếm
Giàn phong lan rừng với hàng trăm giò quí hiếm - Ảnh: Phạm Anh

Theo như lời Thế Anh, cùng lúc kinh doanh nuôi trùn quế, gia đình đầu tư trồng phong lan rừng. Kon Tum nói chung, đất huyện Kon Plông nói riêng là nơi có nhiều loài phong lan quí hiếm. Vì vậy sau 3 năm gia đình vừa đi sưu tầm, vừa mua lại của người dân và bảo tồn giống lan cho tỉnh Kon Tum, đến nay giàn phong lan ở đây có trên 500 giò (chưa kể hàng trăm giò lan hồ điệp). Theo đó, có rất nhiều loài quí hiếm như: trúc phật bà, hoàng nhạn, phi điệp, đuôi sóc, đuôi chồn, đai châu, hoàng thảo hạc vỹ đại ý thảo, quế lan hương, giáng hương, nhất điểm hồng… Cứ mỗi tháng trong năm, giàn phong lan ở đây đều có loài hoa khoe sắc thơm lừng, nhưng dịp tết là bán được nhiều nhất.

Cũng theo Thế Anh, giá phong lan ở đây rất nhiều loại: ít thì 250.000-300.000 đồng/giò, còn trung bình là 2-4 triệu đồng/giò, loài giá cao là 7 triệu đồng/giò, đặc biệt 50 triệu đồng/giò cũng có (loại này thường là ghép mấy cây vào một gốc cây nào đó). Điều đáng nói là, phong lan của Hợp tác xã phong lan ở ngay giữa khu du lịch sinh thái Măng Đen nên tiêu thụ hằng năm rất nhiều: ngoài 1.000 giò phong lan hồ điệp (100.000 đồng/giò) bán ra mỗi năm, Hợp tác xã Lan Rừng còn bán hàng trăm giò phong lan rừng khác, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Phạm Anh

>> Chế phẩm sinh học từ trùn quế
>> Nhánh lan rừng vẫn nở...
>> Vườn phong lan của HLV Nguyễn Ngọc Thiện
>> Tái phát hiện loài phong lan quý hiếm
>> Phong lan hoang dã Phú Quốc
>> Phong lan trên vùng đất mặn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.