Theo đó, Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị nòng cốt là Viện Kiến trúc Quốc gia, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam, và các đơn vị liên quan nghiên cứu, lên các phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trong tình huống dịch Covid-19 bùng phát.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập thiết kế điển hình, dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm để đảm bảo nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… để có thể triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.
Theo ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc gia, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế như của Trung Quốc khi xây dựng 2 bệnh viện dã chiến chống Covid-19 tại Vũ Hán; của nước Anh khi xây dựng bệnh viện dã chiến tại London; của nước Nga xây dựng tại Moscow,... việc xây dựng bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân được xác định nhiễm Covid-19 đòi hỏi phải đáp ứng một số tiêu chí chính như: có vị trí thuận lợi, tách xa khu dân cư, nhưng đảm bảo dễ dàng liên hệ và kết nối với các đầu mối giao thông (đường không, đường bộ), các khu vực cung cấp lương thực, thực phẩm; có sẵn nguồn cung cấp điện, nước sạch và thoát nước; đáp ứng được quy mô và các thiết bị y tế cần thiết, theo cấp độ phục vụ.
Tốc độ thi công, lắp dựng và đưa vào sử dụng nhanh nhất, đảm bảo độ an toàn về vệ sinh môi trường và sức khỏe cho con người trong việc sử dụng các vật liệu xây dựng; hiệu quả về kinh tế và giá thành xây dựng.
|
Viện Kiến trúc Quốc gia, Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam và các đơn vị tư vấn đã đưa ra một số phương án xây dựng cụ thể cho bệnh viện dã chiến chống Covid-19 tại Việt Nam, quy mô bệnh viện từ 300 - 500 giường và từ 800 - 1.000 giường.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng yêu cầu các đơn vị đưa ra các phương án, giải pháp cụ thể về kỹ thuật, quy mô, tính chất, sự cấp bách và thời gian sử dụng của bênh viện dã chiến chống Covid-19, để đưa ra thiết kế điển hình cho xây dựng công trình khẩn cấp. Từ đó, có các tiêu chí lựa chọn vị trí, mặt bằng, các giải pháp thi công phù hợp, đáp ứng nhanh nhất yêu cầu đặt ra. Cụ thể như có thể sử dụng các nhà thi đấu, sân vận động hoặc các khu đất trống có diện tích lớn…
Thứ trưởng Hùng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị như Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Kế hoạch tài chính, phối hợp với đơn vị tư vấn nhanh chóng rà soát, lập danh sách các nhà sản xuất cung cấp vật liệu, thiết bị - thi công xây dựng có năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm thi công các công trình bệnh viện dã chiến chống Covid-19; cung ứng vật liệu xây dựng, vật tư, trang thiết bị có sẵn trên thị trường trên phạm vi cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Cục Kinh tế Xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp các đơn vị nghiên cứu tổng mức đầu tư, cơ chế đặc thù cho các đơn vị tham gia thực hiện xây dựng bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19, đảm bảo thanh quyết toán một cách nhanh nhất, tiết kiệm vốn ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)