Lúa trổ vàng trên non cao, cũng là lúc cá chép ruộng vào mùa. Cứ mỗi độ tháng 9, tháng 10, khi xứ Bắc vào thu, cũng là lúc miên man ruộng thang Tây Bắc vào mùa, dân miền xuôi bắt đầu mơ về núi. Những chuyến nài xe lên non cao, thử thách bản thân, trải lòng cùng sương gió bụi đường đã dần trở thành quen thuộc. Điểm “nóng” của mùa chơi năm nay trên cung đường núi, có tên Hoàng Su Phì.
Kiểu gì cũng có đĩa cá chép chiên
Đường lên Hoàng Su Phì hai làn xe chạy, tráng nhựa ngon lành cành đào, thi thoảng có tí đỉnh sứt mẻ, độ dài khoảng 80 km tính từ Bắc Quang, nhưng tiêu tốn đến hơn 3 giờ di chuyển cho các tay lái lần đầu trải nghiệm, phần nào nói lên độ khổ ải uốn éo của cung đường núi hiểm trở này.
Bù lại, vẻ đẹp mê hoặc của ruộng thang từ cổng trời, qua Nậm Ty, vượt đèo Tấn Sà Phìn, đến Nậm Dịch, Nam Sơn, Hồ Thầu… đâu cũng khiến dân xuôi mê mẩn. Cái đã đời của ruộng thang ở Hoàng Su Phì, khác nhiều với ruộng thang còn lại khắp núi đồi Tây Bắc nhờ phối cảnh đan xen giữa đường kẻ chỉ của ruộng thang lên sườn núi và các vạt rừng.
Say bí tỉ khi chinh phục đường núi Hoàng Su Phì, say cả cảnh đẹp đan xen giữa tạo hóa và con người, khách xuôi khi kết thúc ngày dài rong ruổi, bữa cơm đêm đầu tiên, lại thêm bất ngờ thú vị đến từ con cá chép. Vào mùa lúa, mâm cơm bản trên Hoàng Su Phì kiểu gì cũng có đĩa cá chép chiên.
Trồng cây gì, nuôi con gì? Người miền núi xứ Hoàng Su Phì có ngay câu trả lời, ấy là trồng lúa và nuôi cá chép. Từ con chép giống bé tẹo bằng ngón út, khi lên non cao, thả vào nương lúa ruộng thang độ tháng 6 ngay khi lúa cấy xong. Nhà nông thí con chép giống cho đất trời nuôi dưỡng. Sau 3 tháng, khi lúa ruộng thang cúi đầu, mời các bác miền xuôi lên chụp ảnh, cũng là lúc cá chép dưới gốc lúa vào thời sung mãn nhất. Hắn xơi bông lúa, ăn côn trùng hại lúa, em nào em nấy mập tròn lẳn.
|
Giản dị thôi mà thành miền thương nhớ
Cá chép ruộng thang, chỉ bằng cỡ hai ngón tay trở lại, dài không quá lòng bàn tay, khi gặt lúa cũng là lúc người nông dân thỉnh con chép lên bờ. Lối chế biến con chép ruộng cũng cực kỳ đơn giản. Món khiến dân miền xuôi phê tê nhứt xứ, không gì khác hơn là chép chiên giòn. Chẳng phải mần lông mần vảy, rửa ráy cũng không. Con cá mình sao để vậy, đem tất tần tật vào chảo chiên, để nguyên bộ đồ lòng. Một minh chứng cho cái sự sạch sẽ, tinh khôi của con cá.
Dân dưới xuôi nghe tả, con chép ở ruộng thang không thuốc trừ sâu, rồi ruộng thang phải tốt con cá mới béo ngậy, cộng phần thị giác con cá vàng ươm, căng mọng, đủ khiến vị giác của thực khách nôn nao. Cá gắp mỗi người một con, cắn đến đâu, phê đến đấy. Đã ngây ngất là phần bụng nhờ lớp mỡ căng mọng bao quanh, đến phần ruột gan, ngậy bùi yêu quá thể. Vẫn chưa hết bất ngờ, khi hàm răng va phải mật cá, những béo ngậy vừa nếm trải, nhường ngay vị đắng chan hòa. Ăn con chép cỏn con, vớ vẩn thế, mà sao lắm thứ phải trầm trồ, ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, để rồi giựt mình khi anh bạn Dao đỏ tay nâng ly đứng cạnh, miệng lơ lớ: “Ối anh miền xuôi nghĩ gì thế, cạn với mình một chén đi nào, con chép này ngon đấy”.
Hoàng Su Phì có đến hơn 3.500 ha ruộng thang, ở Hồ Thầu, Bản Luốc, Nậm Dịch, Thông Nguyên, Nậm Ty, Nam Sơn, Bản Phùng… đồng nghĩa cá chép ruộng mùa này nhiều vô kể. Chép chiên ăn chán chê, có thể chuyển vị sang chép kho lá trà. Sau cây lúa, cây trà - đặc biệt là giống shan cổ thụ cũng là đặc sản của Hoàng Su Phì, đâu có lúa là đó có trà. Chỉ với nắm lá già, lót đáy nồi, kho cùng mớ chép ruộng. Cái chát đậm đà của trà shan do độ tannin cao ngất ngưởng, kho rục với chép đến mềm cả xương, gọi là món hao cơm nhất xứ núi.
Vẫn chưa hết, chép ruộng mùa vàng còn được kẹp thanh tre đem nướng trui qua lửa, mộc mạc, dân dã, nhưng đượm đầy phong vị núi rừng, từ mùi khói than, mùi lúa mới… góp cho mâm cơm ngày mùa đãi khách xuôi, giản dị thôi mà thành miền thương nhớ. Để rồi sau chuyến lang bạt Hoàng Su Phì, mỗi lần thấy ruộng thang dù ở bất cứ đâu, lại thơ thẩn tơ vương, mơ nhớ về con chép ruộng.
Bình luận (0)