Lên thủ đô đánh dậm

01/08/2009 16:20 GMT+7

Nếu có dịp đi qua các con đường ven hồ Tây, ta có thể sẽ gặp những người phụ nữ từ quê về thủ đô Hà Nội để hành nghề đánh dậm.

“Không chụp ảnh chúng tôi đâu, đã bảo là không mà”. Ba phụ nữ nhanh chân nhảy ùm xuống hồ Tây để tránh ống kính của chúng tôi, trong khi một người trong số họ có lẽ vì chưa sẵn sàng cho một ngày làm việc nên còn mắc lại bên đường Võng Thị, cạnh mặt nước hồ Tây mênh mông.

Trông chị còn rất trẻ với thân hình mảnh dẻ và khuôn mặt có vẻ nhẹ nhõm dù đã quấn khăn kín mít. Vẻ tần tảo chỉ lộ rõ ở những móng chân đỏ như nhuộm bằng rỉ sắt và hai ống quần cũng nhuốm một màu bùn lâu ngày vàng quạch. Dấm dẳn nói chỉ vài lời khi tôi cố gợi chuyện, chị hối hả xếp cái dậm sang một bên. Đôi dép nhựa được chị xâu qua một sợi dây và buộc vòng qua eo lưng. Từ trong chiếc giỏ tre xung quanh tùng tằng nhiều miếng xốp trắng làm phao, một chiếc quần được lấy ra gấp lại rất khéo và quấn lên đầu, tiếp theo là một chiếc áo cánh. Chiếc bánh mì nghìn rưỡi buộc lên trên cùng trước khi cái nón cũ đội lên trên cứ tròng trành như chẳng có quai.

Rồi lần theo bậc bê-tông thẳng đứng, chị tụt xuống nước và chới với bởi độ sâu, chỉ có cái dậm tre đã rách phải dặm lại bằng rất nhiều sợi ni-lông xanh đỏ nhấp nhô là còn cho thấy có một người đang lội giữa hồ Tây.

Không có cách gì để hỏi chuyện, tôi đứng chờ cho qua buổi trưa với hy vọng họ sẽ lên bờ để tiếp tục hỏi chuyện. Một người dân nhà ở gần chùa Võng Thị thấy tôi tha thẩn thì kể rằng bà đã từng giúp một người đánh dậm băng bó vết thương khi chị này đạp phải một chai bia vỡ dưới đáy hồ. “Trông thế thôi nhưng đáy hồ kinh khủng lắm. Toàn là bát hương với ban thờ cũ. Chân không giẫm vào đấy thì chỉ có mà uốn ván”.

Bên trong vẻ lãng mạn, thanh bình, hồ Tây chính là cái ao khổng lồ chứa nước thải của Hà Nội. Khó có thể nói gì về sự an toàn cho những người không thể lội xuống hồ với giày dép vì chỉ tính đến hàng nghìn cọc tre, gỗ được đóng xuống hồ để chống câu trộm nay gãy mục đã rất nguy hiểm. “Có lần tôi thấy họ vớt được cả mấy thanh kiếm còn mới lên bán sắt vụn, đi đất mà đạp vào đấy thì coi như xong”, bà hàng nước góp chuyện.

Những người đàn bà đánh dậm lên bờ vào khoảng ba giờ chiều. Chiếc bánh mì buộc trên đầu đã giúp họ qua được bữa trưa. Nước uống thì chẳng cần mang vì ở dưới nước thì người ta thường không thấy khát. Khác với suy đoán của tôi, cái mà họ mang lên bờ không phải là cá tôm mà chỉ là trai và ốc, mỗi người khoảng dăm bảy ký lô và được bày bán ngay cho những người đi đường. Trai chia làm hai loại, một loại nhỏ, vỏ còn xanh trong giá 7 nghìn. Loại to con, vỏ đã ngả màu đen đầy rêu bám chỉ 5 nghìn một ký vì loại này nặng vỏ và dai, còn ốc thì chẳng thấy ai hỏi mua. Mùa này nước hồ quá sâu, dậm không bắt được tôm cá và chỉ dùng như một chiếc vợt để cào xuống bùn tìm trai ốc.

Mang theo thắc mắc về thân phận của những người phụ nữ đánh dậm luôn tránh ống kính và im lặng gần như tuyệt đối trước mọi câu hỏi, tôi đến gặp ông Phan Ngọc Kim, Giám đốc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Hồ Tây. Ông Kim cho hay, mọi hoạt động đánh bắt thủy sản trên hồ Tây nếu không phải do xí nghiệp thực hiện đều trái phép và đánh dậm trên hồ cũng không ngoại lệ. “Về đây mười bảy năm, tôi đã nghe anh em báo cáo nhiều lần là có một số người từ vùng Phú Xuyên, Chương Mỹ ra đây thuê nhà ở Bưởi rồi hàng ngày xuống hồ đánh dậm, nhưng xí nghiệp chưa lần nào dám ra lệnh bắt hay đuổi. Người ta đã nghèo khổ đến mức phải bỏ quê quán lên thủ đô đánh dậm, sao mình nỡ làm như thế. Một phần cũng vì tôm cá họ bắt được cũng chẳng bao nhiêu”, ông Kim nói.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.