'Leng keng' tàu điện Hà Nội

25/01/2021 17:46 GMT+7

Tôi, ba, má và các anh tôi tập kết ra miền Bắc cuối 1954 và ở Hà Nội đến năm 1975. 20 năm là thời gian tôi và gia đình gắn bó với Hà Nội như một phần máu thịt của mình.

Từ một cậu bé 10 tuổi đến lúc trở thành một quân nhân, với tôi, Hà Nội đầy ắp kỷ niệm. Đó là những con người, lịch sử, văn hóa, cảnh vật… những góc phố cũ, những con đường…
Một trong những nét đặc trưng cho Hà Nội những năm trước mà nay không còn nữa, đó là tàu điện. Tôi xin kể về tàu điện như một ký ức cho riêng mình và cho lớp các bạn trẻ sau này có thể hiểu thêm về nó.

Đường đến tàu điện

Bắt đầu từ câu chuyện các trường học sinh miền Nam trên miền Bắc. Với tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và T.Ư Đảng, thiếu nhi miền Nam được đưa ra Bắc học ở rất nhiều trường, ở các địa phương khác nhau.
Tôi có 3 năm trung học (1958 - 1961) ở khu trường học sinh miền Nam tại xã Phụng Châu, H.Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Trường ở bên bờ sông Đáy với những rặng vải um tùm, xanh mướt.
Những ngày nghỉ học, được về Hà Nội với ba má là hạnh phúc nhất trên đời đối với tôi. Đường từ trường đến TX.Hà Đông là 7 km (lúc đấy Hà Đông là một tỉnh) mà học trò chúng tôi làm gì có xe đạp.
Cả bọn cùng cuốc bộ. Đến Hà Đông là mệt rã người, nhưng vui vì sắp được lên tàu điện về Hà Nội. Đó cũng là điểm bắt đầu về câu chuyện “leng keng tàu điện” mà tôi cảm nhận được thời bấy giờ.

Phương tiện bình dân chở người bình dân

Bến tàu điện Hà Đông cách bến Bờ Hồ 11 km. Người đi tàu điện đông nhất vào sáng sớm, khi các bà các chị đi chợ với lỉnh kỉnh quang gánh, thúng mẹt và học sinh, sinh viên đi học. Quang gánh có thể treo ở phía ngoài toa cuối, trông rất bắt mắt.
Chuẩn bị khởi hành, anh soát vé làm một việc quan trọng là kéo sợi dây thừng hạ cần tiếp điện, xoay ngược 180 độ để đổi chiều tàu chạy.
Bác lái tàu giật chuông mấy tiếng leng keng báo hiệu tàu sắp rời bến. Đoàn tàu (thường chỉ có 3 toa) nghiến ken két những bánh sắt nặng nề trên đường ray.
Dần dần, tàu chạy nhanh và êm hơn, song tôi nghĩ, chắc cũng không nhanh hơn một vận động viên chạy marathon. Nhưng cũng nhờ vậy mà bọn tôi gần thuộc hết các vị trí dọc con đường 11 km này và chứng kiến những đổi thay bước đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của thủ đô.

Những địa danh đáng nhớ

Điểm gặp đầu tiên là cầu Trắng bắc qua sông Nhuệ, một con sông rất đẹp vào thời ấy, giờ thì lòng sông đã bị thu hẹp và ô nhiễm. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, hai huyện Thanh Trì và Từ Liêm phần lớn còn là những cánh đồng, làng mạc với màu xanh của lúa, ngô, lũy tre làng… nhưng rồi màu xanh ấy đã thay đổi dần.
Đoàn tàu đi tiếp vào địa phận Q.Thanh Xuân ngày nay. Phía bên trái có một nhà máy lớn: Cơ khí Trung Quý Mô. Đây là một trong những cơ sở đầu tiên của miền Bắc sản xuất các loại máy công cụ loại vừa.
Đi tiếp một đoạn sẽ đến Thượng Đình, nhìn bên phải thấy một khu công nghiệp hoành tráng nhất, đó là cụm nhà máy “cao, xà, lá”, gồm các nhà máy Cao su Sao Vàng sản xuất các loại săm lốp xe; Thuốc lá Thăng Long cho ra các loại thuốc lá điếu Thăng Long, Điện Biên, Tam Đảo; còn nhà máy xà phòng tôi không nhớ tên gì, hay chỉ đơn giản là làm các loại xà phòng mà ai cũng biết, cũng dùng. Đoạn đường ấy nay là đường Nguyễn Trãi hiện nay, một cửa ngõ đông đúc nhất Hà Nội.
Tàu đến Ngã Tư Sở, một địa danh mà hầu như ai đến Hà Nội đều biết. Là điểm giao nhau của nhiều con đường lớn nên ở trạm này, người lên xuống tàu rất đông. Qua Ngã Tư Sở, phố xá nhộn nhịp hẳn lên, nhìn sang bên trái có thể thấy gò Đống Đa, một di tích lịch sử nổi tiếng, gắn với chiến thắng của dân tộc ta và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Đường đến bến cuối Bờ Hồ

Cửa Nam là một khu phố đông đúc thuộc Q.Hoàn Kiếm. Theo thường lệ, bác lái tàu lại giật vài tiếng chuông “leng keng” không phải để tránh dòng người qua lại, mà để hành khách biết “đến Cửa Nam rồi đấy”.
Rồi con tàu lại lừng lững qua các phố Hàng Bông, Hàng Gai đông vui, rất nhiều hàng quán sang trọng. Bắt đầu thấy lấp ló màu xanh của lá cây và nước xanh của hồ là tàu đã đến bến Bờ Hồ. Hành khách nhốn nháo, các bà buôn bắt đầu gom thúng mẹt. Nét mặt của bác lái tàu và anh soát vé như giãn ra, họ vừa hoàn thành một chuyến tàu an toàn.
Bến tàu điện Bờ Hồ nằm ở cuối đường Đinh Tiên Hoàng, một trong những con đường đẹp và sang, nối từ khu phố cổ đến khu phố cũ của Hà Nội. Từ bến này, có nhiều chuyến tàu toả đi các hướng. Ngày qua ngày, nơi này không thể thiếu được tiếng “leng keng” của các chuyến tàu điện chuyên chở những con người, hàng hoá cũng bình dân trong công cuộc mưu sinh, học hành.
“Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy”, lời bài hát Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp chính là kể về chuyện ấy. Tàu điện là “siêu phẩm” rất đặc trưng của Hà Nội, do người Pháp để lại, cùng với những công trình kiến trúc để đời. Đó cũng là nét đẹp văn hoá và lịch sử của thủ đô mà không nhiều thành phố ở Việt Nam có được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.