LHP Cannes 2017 vẫn phù phiếm, vẫn quá 'chất'

26/05/2017 06:44 GMT+7

LHP Cannes lần thứ 70 - một cột mốc chứng tỏ sức mạnh số 1 của diễn đàn điện ảnh thế giới - sắp đến ngày kết thúc (28.5).

Những cuộc phô diễn hào nhoáng của các ngôi sao trên thảm đỏ không lấn át được nhiều cuộc “bút chiến” của các cây bút phê bình sau mỗi buổi chiếu phim tranh giải Cành cọ vàng.
70 năm của dòng phim tác giả
Kể từ ngày ra đời, LHP Cannes luôn giữ vững tiêu chí phát hiện và tôn vinh những đạo diễn của dòng phim tác giả, luôn táo bạo và gây tranh cãi vì cách lựa chọn đề tài. Những đạo diễn gây sốc nhất, giàu thể nghiệm nhất luôn xuất hiện từ sân chơi của Cannes, đó là “đặc quyền” của LHP này.
Những năm 1940, 1950, LHP Cannes gắn liền với những tên tuổi của 2 trào lưu điện ảnh phát triển rực rỡ nhất: làn sóng mới của Pháp và tân hiện thực của Ý. Francois Truffaut, Jean-Luc Godard (Pháp) hay Federico Fellini (Ý) là những đạo diễn mà mỗi bộ phim ra mắt đều gắn liền với Cannes. Những năm 1970 là thời điểm mà những đạo diễn Mỹ tung hoành tại LHP này với F.F Coppola, Martin Scorsese, Woody Allen và nhiều tài năng khác của Mỹ trong thập niên 1990 như Steven Soderbergh, Quentin Tarantino cũng được phát hiện tại đây. Những tài năng mới đến từ châu Á cũng chọn Cannes làm nơi thi thố của họ, để rồi Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Lâu Diệp của Trung Quốc; Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng từ Đài Loan; Vương Gia Vệ từ Hồng Kông, Park Chan-wook, Hong Sang-soo của Hàn Quốc trở thành những đạo diễn hàng đầu thế giới. Đấy là chưa kể hàng loạt tên tuổi lớn khác từ những nền điện ảnh của các nước cựu lục địa, luôn là lực lượng chủ chốt làm nên bản sắc của Cannes.
Ngày 23.5 vừa qua, Ban tổ chức LHP Cannes đã tổ chức một buổi tiệc lớn mừng cột mốc 70 năm với sự quy tụ của 115 tên tuổi, từ những đạo diễn từng đoạt giải ở LHP này đến các ngôi sao nổi bật nhất.
LHP Cannes 2017 vẫn phù phiếm, vẫn quá 'chất'1
Julianne Moore trong phim Wonderstruck Ảnh: IMDB
Những ứng cử viên của cành cọ vàng
19 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay tiếp tục là cuộc trình diễn của những tên tuổi quen thuộc và hầu hết họ đều đã thi thố tranh giải trước đây.
Nước chủ nhà Pháp có tới 5 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng, từ bộ phim mở màn LHP là Ismael’s Ghosts của đạo diễn Arnaud Desplechin đến 2 bộ phim chân dung về 2 nghệ sĩ lớn của Pháp là Rodin (nhà điêu khắc) của đạo diễn Jacques Doillon và Redoutable (về cuộc tình của đạo diễn Jean-Luc Godard và nàng thơ của ông) do Michel Hazanavicius đạo diễn... Đáng tiếc là cả hai phim về nhà điêu khắc Rodin lẫn đạo diễn huyền thoại Jean-Luc Godard đều bị giới phê bình chê là “nhạt nhẽo” và “thiếu đam mê”.
Những bộ phim giành được nhiều phản hồi tích cực nhất từ đầu LHP tới nay là The killing of a sacred deer, một bộ phim bi mang hơi hướng kinh dị và siêu thực của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos, với màn trình diễn ấn tượng của hai ngôi sao Hollywood Nicole Kidman và Colin Farrell. Yorgos Lanthimos (43 tuổi) có lẽ là một trong những đạo diễn được chú ý nhất hiện nay của điện ảnh nghệ thuật châu Âu dù anh mới chỉ làm 3 phim. Kịch bản quái dị và khó đoán, thủ pháp nghệ thuật độc đáo và chất “triết học” đậm đặc khiến cả ba bộ phim gần đây của Yorgos luôn mang đến cho giới mộ điệu điện ảnh những tác phẩm để lại nhiều thách thức trong thưởng thức tác phẩm.
LHP Cannes 2017 vẫn phù phiếm, vẫn quá 'chất'2
Nicole Kidman Ảnh: Reuters
Một nhà làm phim được Cannes ưu ái khác là Todd Haynes (Mỹ) cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực với bộ phim Wonderstruck sau tác phẩm đồng tính Carol gây thiện cảm đặc biệt cho các nhà phê bình 2 năm trước. Phim của Todd có sự xuất hiện của hai ngôi sao nữ Julianne Moore và Michelle Williams. Hai bộ phim với những ngôi sao tên tuổi này cũng hứa hẹn có mặt trong mùa tranh giải Oscar năm sau.
Ngôi sao điện ảnh Úc Nicole Kidman có đến 4 bộ phim tham dự tại Cannes năm nay, trong đó ngoài 2 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng phải kể thêm 2 phim được giới thiệu tại Cannes là How to talk to girls at parties do John Cameron Mitchell đạo diễn và Top of the lake của nữ đạo diễn Jane Campion. Ngôi sao 50 tuổi này được xem là “Nữ hoàng” của Cannes khi chiếm sóng không chỉ trên các thảm đỏ của LHP mà còn là những màn vỗ tay tán thưởng sau mỗi vai diễn của cô trong các bộ phim được trình chiếu.
Cuộc cạnh tranh cho những giải thưởng tại Cannes năm nay còn có Loveless, một bi kịch gia đình trong xã hội Nga hiện đại của đạo diễn Andrey Zvyagintsev; Happy end của đạo diễn 2 lần đoạt Cành cọ vàng Michael Haneke, kể về bi kịch của một gia đình quý tộc nước Pháp trước những biến động xã hội hay The day after của Hong Sang-soo với câu chuyện tình yêu tay ba mang nhiều dấu ấn cá nhân của vị đạo diễn người Hàn này.
Bên cạnh các anh tài nam giới quen thuộc, LHP Cannes năm nay còn chứng kiến cuộc tranh tài của 3 đạo diễn nữ với những bộ phim mang dấu ấn nữ quyền rõ rệt của họ. Đó là nữ đạo diễn Nhật Naomi Kawase với bộ phim Radiance, nữ đạo diễn người Anh Lynne Ramsay với You were never really here và nổi bật nhất, là sự trở lại của đạo diễn Mỹ Sofia Coppola với bộ phim The beguiled.
Điều thú vị, The beguiled là một bộ phim làm lại từ bộ phim gốc đặc mùi “nam tính” ra mắt năm 1971 của đạo diễn Don Siegel với diễn xuất của ngôi sao phim cao bồi Clint Eastwood. Nhưng sự khác biệt là bộ phim của Sofia mang màu sắc nữ quyền rõ rệt khi biến câu chuyện xảy ra trong thời kỳ nội chiến Mỹ này trở thành một tác phẩm kể về cuộc trừng phạt và báo thù của những người đàn bà, khi một tay cựu binh bị thương được họ cứu sống trở thành nguồn cơn và mầm mống của tai họa. Một lần nữa, Nicole Kidman lại trở thành tâm điểm của Cannes khi hóa thân thành nhân vật nữ đặc sắc, một người phụ nữ bị giằng xé giữa ham muốn, ghen tuông và bản năng của người mẹ.
Liệu The beguiled có giúp Sofia Coppola giành được giải thưởng cao nhất - Cành cọ vàng? Nếu điều này trở thành sự thật thì Sofia Coppola mới là nữ đạo diễn thứ 2 đoạt Cành cọ vàng trong lịch sử 70 năm của LHP Cannes, sau bộ phim The piano của nữ đạo diễn New Zealand Jane Campion từ 24 năm trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.