Trong bài phát biểu trước kỳ họp thường niên trực tuyến của Đại hội đồng LHQ ngày 23.9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói: "Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng ta đang đi theo một hướng rất nguy hiểm", theo đài CNBC.
"Thế giới không thể có một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt thế giới trong một vết rạn nứt lớn. Một sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ biến thành sự chia rẽ về địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá", ông Guterres nói thêm.
Kỳ họp thường niên đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ với nhiều vấn đề gai góc mà theo ông Guterres là bao gồm: căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng khí hậu, "tình trạng mất niềm tin trên toàn cầu ngày càng tăng", "mặt tối" của internet và mới nhất là đại dịch Covid-19.
Ông Guterres nói: "Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ những điểm yếu của thế giới: bất bình đẳng gia tăng, thảm họa khí hậu, chia rẽ xã hội ngày càng rộng, nạn tham nhũng tràn lan”.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump yêu cầu LHQ buộc "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành động" liên quan đến đại dịch Covid-19.
"Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - tổ chức hầu như do Trung Quốc kiểm soát - đã đưa tuyên bố sai sự thật cho rằng không có bằng chứng về sự lây lan Covid-19 từ người sang người. Sau đó, họ đưa ra thông tin sai sự thật cho rằng những người không có triệu chứng sẽ không làm lây bệnh Covid-19... LHQ phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về hành động của họ", ông Trump nói trong bài phát biểu trước LHQ.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không có ý định gây ra "chiến tranh lạnh hay nóng với bất kỳ quốc gia nào".
Chủ tịch Tập kêu gọi thế giới không nên “chính trị hóa” cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Ông kêu gọi các quốc gia trên thế giới "đoàn kết và cùng nhau vượt qua thách thức này".
Ông Tập đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, một hiệp định mà Trump muốn rút khỏi. Riêng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2026, theo ông Tập.
Hiện Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, chiếm 28% lượng khí thải CO2 toàn cầu, sau đó là Mỹ (15%).
Bình luận (0)