LHQ tìm giải pháp cho khủng hoảng Myanmar

18/05/2021 07:00 GMT+7

Trong bối cảnh xung đột tiếp tục diễn ra, người dân Myanmar đang trông chờ sức ép từ cộng đồng quốc tế có thể lay chuyển được chính quyền quân sự .

AFP hôm qua (17.5) dẫn lời một quan chức LHQ cho biết Đại hội đồng LHQ dự kiến xem xét nghị quyết kêu gọi ngay lập tức ngừng cung cấp, bán, chuyển giao vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự cho chính quyền quân sự Myanmar. Nghị quyết trên do Liechtenstein (một quốc gia vùng Alps) công bố với sự ủng hộ của 48 nước, trong đó có Anh, Mỹ, Hàn Quốc.

Phương Tây đồng loạt cấm vận

Tối qua, Anh, Canada và Mỹ đồng loạt công bố thêm lệnh cấm vận đối với hàng loạt cá nhân và thực thể tại Myanmar vì liên quan đến cuộc chính biến hôm 1.2. Theo Reuters, Anh cấm vận Công ty đá quý Myanmar nhằm cắt nguồn cung tài chính cho chính quyền quân sự. Canada cấm vận 16 quan chức và 10 thực thể nhằm đáp trả hành động của quân đội Myanmar đối với người dân và nền dân chủ. Mỹ cũng cấm vận 13 quan chức và 3 người thân của các quan chức này vì ủng hộ cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hối thúc quân đội Myanmar hợp tác ngay lập tức và vô điều kiện để thực thi đồng thuận 5 điểm của ASEAN.
Theo AFP, mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc nhưng nó thể hiện ý nghĩa chính trị mạnh mẽ, có thể gây sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar. Trong trường hợp không đạt được đồng thuận trong phiên họp toàn thể vào rạng sáng 19.5 (giờ VN), 193 thành viên Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết này.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt tình trạng khẩn cấp và ngừng toàn bộ hành động bạo lực đối với người biểu tình ôn hòa. Ngoài ra, nghị quyết đề nghị Myanmar trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và những người bị bắt giữ, truy tố từ cuộc chính biến hôm 1.2.
Mặt khác, nghị quyết kêu gọi nhanh chóng thi hành đồng thuận 5 điểm mà lãnh đạo quân sự Myanmar đạt được với các nhà lãnh đạo ASEAN trong hội nghị đặc biệt tại Indonesia hồi tháng 4.
Từ sau hội nghị, những cam kết trong đồng thuận như chấm dứt bạo lực, cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar để đối thoại với các bên, đến nay vẫn chưa được thực hiện do chính quyền quân sự Myanmar nói phải chờ tình hình trong nước ổn định rồi mới cân nhắc.

Cựu hoa hậu Myanmar cầm súng trường tham gia phản đối chính quyền quân sự

Tuy nhiên, cuộc chính biến đã đưa Myanmar vào khủng hoảng với việc biểu tình diễn ra hằng ngày cùng bạo lực và xung đột giữa quân chính phủ và các nhóm vũ trang, dân quân đối lập. Các tổ chức quan sát ước tính từ đầu tháng 2 đến nay, ít nhất 796 người đã thiệt mạng vì bạo lực của lực lượng an ninh dù chính quyền phản bác số liệu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.