|
Thủy tổ nghề yến sào
Theo tài liệu lịch sử còn lưu tại Khánh Hòa, năm 1328, trong một chuyến công cán phương Nam, Đề đốc thủy quân nhà Trần Lê Văn Đạt cùng đoàn quân gặp bão lớn nên thuyền phải dạt vào đảo Hòn Tre. Tại đây ông tình cờ phát hiện các đảo yến ở vùng biển đảo Bình Khang (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay) và quyết tâm ở lại cai quản vùng đất này. Với tầm nhìn chiến lược của một vị tướng, ông thành lập các đội thủy quân để bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên quý này. Nghề yến sào nước ta ra đời từ đó và ông được người đời sau suy tôn là Thủy tổ ngành nghề yến sào.
Những người có công kế nghiệp là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang (sinh năm 1719), hậu duệ đời thứ 21 của Thủy tổ Lê Văn Đạt và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm, sinh năm 1753. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm Tổng quản quần đảo Hòn Tre và các sở lưới đăng, đảo yến. Bà đã tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu… cho nhà Tây Sơn. Năm 1788, bà được phong chỉ huy liên quân thủy bộ trấn thủ một số vùng biển trọng yếu.
Ngày 10.5.1793, trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải và các đảo yến, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh. Người dân suy tôn bà là Bảo yến đảo chủ Thánh Mẫu, lập miếu thờ trên các đảo yến. Từ đó, ngày 10.5 âm lịch, người dân địa phương long trọng tổ chức cúng giỗ Thánh Mẫu và tướng sĩ Tây Sơn hy sinh năm nào. Dịp này lễ hội Yến sào Khánh Hòa được tổ chức để ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối và những người đã ngã xuống để bảo vệ quê hương.
Những người kế tục
Tháng 11.1990, Công ty yến sào Khánh Hòa được thành lập, trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa - đơn vị duy nhất được phép quản lý, khai thác và kinh doanh các sản phẩm yến đảo thiên nhiên Khánh Hòa. Từ tháng 10.2009, chính thức đổi thành Công ty TNHH nhà nước MTV yến sào Khánh Hòa.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề yến sào Khánh Hòa vẫn được duy trì và phát triển như hôm nay là nhờ công lao của các bậc tiền bối đã truyền nghề cho lớp trẻ. Cứ như thế, từ đời này qua đời khác đội quân khai thác yến sào tồn tại.
Hơn 20 năm qua, công nghệ thu hoạch yến sào và quy trình quản lý hang đảo ở Khánh Hòa ngày càng được hoàn thiện ở trình độ cao trên nền tảng nghiên cứu khoa học và bí quyết kỹ thuật truyền thống. Công ty yến sào Khánh Hòa đã được Cơ quan Thực thi công ước quốc tế về các loài động vật quý hiếm (CITES) công nhận là nhà quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên yến sào tốt nhất Đông Nam Á. Công nghệ thu hoạch sản phẩm yến sào và quy trình quản lý hang đảo yến rất khoa học, được đánh giá vượt trội so với các nước khác.
Hiện Công ty yến sào Khánh Hòa quản lý 32 đảo yến với 162 hang yến trải dài từ Vạn Ninh đến Cam Ranh; 20 đơn vị trực thuộc và 3 công ty cổ phần thành viên; trên 1.000 nhà phân phối, đại lý trong nước và quốc tế, chiếm thị phần khai thác yến sào từ các đảo yến thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Yến sào Khánh Hòa đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế với nhiều danh hiệu, bằng khen cao quý của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; được tặng Huân chương Lao động hạng 2 và các giải thưởng uy tín: Sao vàng đất Việt, Giải vàng Chất lượng, Thương hiệu mạnh Việt Nam, Cúp vàng thương hiệu nhãn hiệu, Hàng Việt Nam chất lượng cao, top 10 Thương hiệu Việt uy tín, top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, top 10 Doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam, Giải thưởng Thương hiệu dịch vụ Việt Nam, Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, công ty nhận được các giải thưởng quốc tế là Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, Cúp vàng thương hiệu uy tín của ASEAN, thương hiệu xanh Đông Nam Á, Thương hiệu vì sự phát triển cộng đồng ASEAN.
Để tôn vinh các bậc thủy tổ ngành nghề yến sào, Công ty yến sào Khánh Hòa đã đề nghị đặt tên đường ở TP.Nha Trang mang tên Đề đốc Lê Văn Đạt, An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm. Hội Sử học tỉnh Khánh Hòa cho rằng đề nghị phù hợp với nguyện vọng của thế hệ hậu sinh ngành nghề yến sào và tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. |
Đình Mười
Bình luận (0)