Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Nga xuất khẩu ngũ cốc

26/05/2023 06:32 GMT+7

LHQ và một ngân hàng lớn ở châu Phi đang tạo điều kiện để Nga xuất khẩu ngũ cốc, phân bón đến châu lục này, giữa lúc chiến sự tại Ukraine tiếp diễn.

Reuters ngày 25.5 dẫn lời TTK Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển Rebeca Grynspan cho hay LHQ đang phối hợp với Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) tạo nền tảng giúp xử lý các giao dịch xuất khẩu ngũ cốc, phân bón của Nga đến châu Phi.

LHQ hỗ trợ Nga xuất khẩu ngũ cốc - Ảnh 1.

Phân bón của Nga được vận chuyển đến Malawi hồi tháng 3

Reuters

Theo thỏa thuận vào tháng 7.2022, LHQ phải giúp Nga vượt qua mọi trở ngại về xuất khẩu ngũ cốc, phân bón trong 3 năm. Thỏa thuận đạt được cùng lúc với một thỏa thuận khác về việc cho phép xuất khẩu an toàn đối với lương thực và phân bón từ Ukraine trong chiến sự, còn gọi là thỏa thuận biển Đen. Các thỏa thuận nhằm đối phó khủng hoảng lương thực toàn cầu, do Nga và Ukraine đều cung cấp các sản phẩm này cho những thị trường như châu Phi và Trung Đông. Bà Grynspan cho biết thỏa thuận này tiếp tục là "huyết mạch cho an ninh lương thực" trên toàn thế giới.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 455, rộ đồn đoán về Tổng tư lệnh Ukraine; kỳ vọng phản công quá lớn?

Thỏa thuận biển Đen được gia hạn lần thứ 3 vào tuần trước, sau khi Nga đồng ý gia hạn thêm 2 tháng. Tuy nhiên, Moscow tuyên bố có thể rút lui, trừ khi những yêu cầu cải thiện việc xuất khẩu lương thực và phân bón của mình được đáp ứng. Việc xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp của Nga không bị phương Tây cấm vận, nhưng Moscow cho biết có nhiều hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm, do tác động rộng hơn của việc cấm vận.

Bà Grynspan cho biết đang làm việc với Afreximbank để cố gắng giúp các nước nhỏ và vừa ở châu Phi đối phó gián đoạn thương mại, nhằm tiếp cận ngũ cốc và phân bón Nga thông qua "giao dịch nhanh chóng hơn". Khoảng 260.000 tấn phân bón của Nga bị mắc kẹt ở một số cảng châu Âu. Nga cho biết số phân bón này sẽ dùng để tặng cho những nước đang cần. LHQ đã hỗ trợ giải tỏa 2 lô hàng đến Malawi và Kenya, trong khi dự định phân phối đến Nigeria, Sri Lanka và Nam Phi.

Mỹ thông qua việc bán NASAMS cho Ukraine

AFP ngày 25.5 đưa tin Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cho hay thương vụ bán hệ thống phòng không NASAMS và thiết bị liên quan cho Ukraine trị giá 285 triệu USD vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua. DSCA vừa thông báo đến quốc hội, cơ quan sẽ phê duyệt dự án trước khi triển khai. Trong thông cáo, DSCA nói rõ rằng thương vụ không buộc bất cứ nhân viên chính phủ hay nhà thầu nào của Mỹ được cử đến Ukraine.

Nga lên án tàu sân bay Mỹ đến Na Uy; còn xung đột, Ukraine chưa thể vào NATO

Trong khi đó, liên quan chiến sự Ukraine, CNN ngày 25.5 dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky thể hiện sự tin tưởng về việc sẽ giành lợi thế nếu được cung cấp các tiêm kích F-16 như dự kiến. Ông cảm ơn Anh và Hà Lan, 2 nước cho biết đang làm việc nhằm giúp Ukraine có được tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Bên cạnh đó, Na Uy cam kết hỗ trợ chương trình huấn luyện các phi công Ukraine lái tiêm kích F-16. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjoern Arild Gram cho hay chính phủ nước này ủng hộ sáng kiến thành lập liên minh tiêm kích, nhưng, ông cho hay chính phủ Na Uy chưa quyết định về việc có cung cấp F-16 cho Ukraine hay không.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren ngày 24.5 báo cáo với quốc hội nước này về việc muốn hỗ trợ huấn luyện các phi công Ukraine lái F-16 trong thời gian sớm nhất. Việc huấn luyện sẽ được tiến hành với sự phối hợp của Bỉ, Đan Mạch, Anh và các nước có thể tham gia, theo bà Ollongren. Trước đó, phía Nga tuyên bố rằng bất cứ sự chuyển giao F-16 nào cho Ukraine đều là vô nghĩa và làm dấy lên câu hỏi về vai trò của NATO trong chiến sự tại Ukraine, theo TASS. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 23.5 bác bỏ tuyên bố này của Nga. 

Ukraine có nói quá về năng lực phòng không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.