Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024: Phải đứng bên lề vì quy chế

13/06/2024 07:00 GMT+7

Các nghệ sĩ cho rằng các nhà hát thuộc trường nghệ thuật đã bị loại khỏi Liên hoan Kịch nói toàn quốc do quy chế "vô cảm".

Cay đắng đứng ngoài sau 24 năm

Năm nay, 3 đơn vị sân khấu của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh (SKĐA) Hà Nội, Trường ĐH SKĐA TP.HCM và Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội (VHNTQĐ) có "chung một nỗi đau". Đó là việc họ không được tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc (diễn ra từ 11 - 26.6 tại TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) do quy chế của liên hoan này, trong khi họ đều đã từng tham gia kỳ liên hoan trước. "Quy chế yêu cầu diễn viên phải làm chuyên nghiệp 3 năm. Thứ nữa đơn vị trường có nhà hát thì nhà hát phải độc lập có con dấu riêng, và chả nhà hát nào đạt được tiêu chí đó cả. Cứ dính vào trường là bị gạt hết", một đạo diễn sân khấu cho biết.

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024: Phải đứng bên lề vì quy chế- Ảnh 1.

Thành Thăng Long thuở ấy của nhà hát Thế giới mới

NSCC

Dù quy chế liên hoan, tới giờ này vẫn chưa được cung cấp cho báo chí, các đơn vị trực thuộc trường nghệ thuật bị loại khỏi liên hoan do quy chế đã lộ diện. Ở Trường ĐH SKĐA Hà Nội, thầy và trò nhà trường đành thôi không thể dự. Ở ĐH VHNTQĐ, nhà trường thậm chí đã chuẩn bị vở để đi liên hoan, rồi sau đó ngậm ngùi đứng ngoài. Tại Trường ĐH SKĐA TP.HCM, nhà hát trực thuộc là Thế giới mới cũng cay đắng không kém vì bị loại khi quy chế ra đời.

NSND Hoàng Yến, Trường ĐH SKĐA TP.HCM, bày tỏ nỗi buồn khi nhận được ý kiến từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) rằng theo quy chế, nhà hát của bà không thể tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc. "Cục NTBD trả lời quy chế năm nay không cho. Trường SKĐA Hà Nội, Trường SKĐA TP.HCM, Trường VHNTQĐ cũng đều không. Bọn mình cũng phải chịu", NSND Hoàng Yến nói. Cũng theo bà Yến, đơn vị của bà (nhà hát Thế giới mới thuộc Trường ĐH SKĐA TP.HCM) đã dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc liên tiếp từ năm 2000 tới nay. Trong suốt 24 năm đó, bà cùng đồng nghiệp chưa từng bỏ một liên hoan kịch toàn quốc hay một liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế nào. "Chúng tôi vẫn đi đầy đủ, các lần đi đều có giải", NSND Hoàng Yến nói.

Bản thân các nhà hát, đơn vị nghệ thuật thuộc trường cũng khá bất ngờ với quy chế năm nay và việc mình bị loại khỏi liên hoan. Đại tá, Th.S Trần Thanh Bạch, Chủ nhiệm Khoa Sân khấu, điện ảnh và viết văn (Trường ĐH VHNTQĐ) chia sẻ: "Tôi cũng bất ngờ không hiểu sao lại không cho tham gia. Trong khi ở trường tôi chọn kịch bản, tổ chức khai sàn, mời họa sĩ thiết kế mỹ thuật rồi, đùng cái thì thế, đâm là buồn".

Cũng theo ông Bạch: "Tôi không hiểu nguyên nhân gì mà lại không cho tham gia. Giá như để các em cọ xát, tỏa sáng ngay từ khi ngồi trên giảng đường thì tốt. Các em vừa được giao lưu, vừa được học hỏi bậc cha chú, qua đó thấy mình đang hổng, đang thiếu gì, rồi trao đổi ngay với các thầy, với cô chú thế hệ trước qua hội diễn thì rất quý".

Vô cảm và khắt khe hơn

Do Cục NTBD cho tới giờ vẫn né tránh trả lời phóng viên, Báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi với người trong nghề về quy chế nói trên. Liệu việc yêu cầu diễn viên phải tốt nghiệp bậc đại học, hay nhà hát phải có pháp nhân… có phải để hướng tới việc người tham gia có tài năng, hướng tới sự chuyên nghiệp của Liên hoan Kịch nói hay không?

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024: Phải đứng bên lề vì quy chế- Ảnh 2.

Bến nước thời gian, một vở dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm nay

NHÀ HÁT TUỔI TRẺ

Về điều này, một đạo diễn của Trường ĐH SKĐA Hà Nội cho biết: "Quy chế của liên hoan năm nay rất bất cập. Trong trường đâu chỉ có sinh viên, còn có nhiều người đã làm nghề cả rồi. Ban tổ chức bị lố khi đưa ra tiêu chí như vậy. Nếu tiêu chí của BTC và của Cục NTBD đưa ra để tạo sân chơi, thì liên hoan đã là một sân chơi chưa khi đoàn và vở diễn đều ít đi?".

Đại tá, Th.S Trần Thanh Bạch cũng cho biết: "Ở các trường cũng có mấy đối tượng. Các em về học nhưng cũng đã là nghệ sĩ ở các nhà hát rồi, các em mới có bằng trung cấp chẳng hạn, thì các nhà hát gửi về trường để học hoàn thiện đại học, chứ cũng không phải là học sinh mới tinh. Về tư cách tham gia thì họ đủ".

Với Trường ĐH SKĐA TP.HCM, tư cách cũng như tài năng và sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ nhà hát Thế giới mới cũng rất rõ ràng. "Chúng mình lại toàn là giảng viên đi chứ chúng mình không dùng sinh viên để dàn dựng đi thi. Tác phẩm cũng chạm vào văn học, lịch sử VN", bà Hoàng Yến cho biết. Năm nay nhà hát cũng đã chuẩn bị hai vở diễn, một về nhân vật Trịnh Sâm, một về Kiều. Tuy nhiên, họ đã không thể dự liên hoan.

Trước đó, theo bà Hoàng Yến, các vở diễn của nhà hát từng được nhiều giải qua các kỳ Liên hoan Kịch nói toàn quốc. Năm 2012 vở Âm binh được coi như "quả bom" của hội diễn. Năm 2018, vở Yêu là thoát tội có giải bạc. Năm 2021 họ cũng có giải thưởng. Đáng quý hơn, các vở diễn của nhà hát này sau khi được giải đều không bao giờ diễn dưới 100 đêm. "Hiện nay vở Yêu là thoát tội cũng là hơn 200 đêm, Thành Thăng Long thuở ấy thì tất cả các trường cấp 3 ở TP.HCM đều xem sân khấu bọn mình", bà Yến chia sẻ.

Về quy chế đã loại bỏ các đoàn của các trường SKĐA năm nay, bà Yến nói: "Thứ nhất Bộ VH-TT-DL quản lý Cục NTBD, Bộ VH-TT-DL cũng quản lý trường Sân khấu chúng tôi. Cùng trong ngành nên chúng tôi đành im lặng vì vẫn là cấp dưới, trên quy định thì chúng tôi theo. Nhưng chúng tôi mong nếu lần sau thì quy chế cho chúng tôi, các giảng viên được tham gia".

Một đạo diễn khác cho biết: "Nhiều người cũng nhận ra sự bất ổn của quy chế nhưng cũng chẳng tranh cãi được vì đã ban hành rồi. Nghệ sĩ đứng trước sự đã rồi. Kể ra nó mở một sân chơi rộng rãi hơn thì sẽ tốt cho nghề, tốt cho hội diễn. Hội diễn năm nay nhìn số lượng tác phẩm không bằng những kỳ trước. Thậm chí còn không nhiều bằng Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân (một liên hoan gói gọn trong một đề tài). Chả hiểu sao nó lại khắt khe hơn như thế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.