VFCD 2022 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Vietnam, cùng nhiều đối tác khác.
Với chủ đề THAY ĐỔI: THÁCH THỨC SÁNG TẠO, những người yêu cái đẹp đã có cơ hội bước vào hành trình khám phá nghệ thuật mới đầy thú vị với 27 sự kiện sôi động, như tour đi bộ khám phá văn hóa, tọa đàm/hội thảo, workshop, triển lãm và nhiều hoạt động trực tuyến khác để mở mang kiến thức và trau dồi kỹ năng.
Triển lãm Thách thức sáng tạo đã mở ra một sân chơi để các tài năng trẻ ở Việt Nam phát huy hết khả năng nghệ thuật của họ. Sự kiện góp phần nâng tầm kiến thức và kỹ năng của người tham gia về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo, cũng như xây dựng năng lực trong việc thực hiện và quản lý dự án liên ngành.
“Trong nhà, ngoài phố”, triển lãm do nhóm sinh viên ngành Thiết kế RMIT đồng tổ chức, mang đến cho người tham dự góc nhìn đa chiều và mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội.
Ra mắt tại VFCD 2021, triển lãm đây/đó trở lại với thành quả sau một năm miệt mài cộng tác giữa các nhà thiết kế trẻ mới nổi ở Việt Nam và các nhà thiết kế, nghệ nhân Australia. Với mục tiêu thúc đẩy thực hành thiết kế đương đại đồng thời duy trì các hình thức nghệ thuật và thủ công truyền thống, dự án mở ra cơ hội trao đổi văn hóa, kinh tế và kiến thức của những người thực hành sáng tạo đến từ hai quốc gia.
Những câu chuyện ẩn giấu trong lòng phố Lãn Ông và phố cổ Hà Nội đều được truyền tải thật tự nhiên và gần gũi qua chuyến dạo phố “Khám phá Hà Nội: phố Lãn Ông và phố cổ Hà Nội” cùng Hội Những người bạn của di sản Việt Nam (FVH).
Theo tình nguyện viên Nguyễn Phương Loan từ FVH, phố Lãn Ông là một trong những nét độc đáo nhất của khu phố cổ Hà Nội với những dấu hiệu nổi bật về sự hội tụ văn hóa giữa Việt Nam, Pháp và Trung Quốc xưa.
Bạn đã bao giờ “háo hức” muốn nói điều gì đó nhưng lại không có từ ngữ để diễn đạt, và kể cả khi bạn nói ra thì cũng không có ai ở đó để lắng nghe?
Đây là tâm trạng mà Võ Nguyễn Ánh Tú, điều phối viên workshop “Khám phá bản thân bằng ngôn ngữ Collage”, từng trải qua. Khi ấy, Tú tìm đến collage - xé dán giấy - để vừa thỏa sức kể câu chuyện của mình, vừa được “chơi” với hình ảnh.
… Ai ngờ chẳng có bàn ghế hay không có phân chia vị trí chủ tọa - khách tham gia. Thay vào đó, mọi người ngồi quanh một vòng tròn, hoặc nằm ra sàn, hoặc vẽ lên kính, đi với tốc độ “slow motion”, chạy thật nhanh theo kiểu cua bò ngang, hoặc vừa đi vừa vẽ một cách thoải mái theo sự hướng dẫn của hai điều phối viên.
Nguyễn Minh Nam, một trong các điều phối viên nhấn mạnh rằng trong hành trình chăm sóc bản thân và làm bạn với cảm xúc, điều quan trọng là sự bao dung và tinh thần không phán xét bản thân.
Trong suốt sự kiện “Vật liệu của tương lai: chế tạo thử nghiệm cellulose vi khuẩn như một vật liệu sinh học tiềm năng”, các nghiên cứu viên đã thảo luận và đưa ra ví dụ về cách các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như trái cây, trà và đường được dùng để lên men trà Kombucha như một hình thái của cellulose vi khuẩn có thể thay đổi tính năng và các đặc tính khác của vật liệu sinh học mới.
“Thử nghiệm cellulose vi khuẩn như một vật liệu sinh học tiềm năng phát triển các giải pháp thay thế cho vật liệu tổng hợp từ dầu mỏ có tác động môi trường thấp hơn nhiều, một trong hai nghiên cứu viên là Phó giáo sư Donna Cleveland, Phó khoa Truyền thông và Thiết kế (Đại học RMIT Việt Nam), chia sẻ.
Thiết kế thường đồng nghĩa với việc tạo ra những thứ mới, nhưng qua buổi đối thoại “What’s Left: Từ rác thải tới nghệ thuật”, nhà thiết kế Phạm Thị Kiều Phúc đã giới thiệu cách tạo ra những sản phẩm mới từ các nguyên vật liệu bỏ đi. Ý tưởng khởi phát khi cô chứng kiến tình trạng sản xuất thời trang nhanh, thời trang du lịch tràn lan ở Hội An. Nhóm của cô đã xin bất kỳ vải thừa nào các cửa hàng bỏ đi để về “tạo” ra quần áo mới.
Theo cô, “Thiết kế là cách nhìn nhận vấn đề và mang lại sự thay đổi, là một cách phát triển bản thân và phát triển triết lý bên trong. Sáng tạo nghệ thuật là quá trình chuyển hóa nhận thức, chuyển hóa cách chúng ta nhận thức và tương tác với môi trường sống”.
VFCD 2022 đã kết thúc trong niềm hân hoan của những người yêu nghệ thuật, nhưng tác động trong việc khuyến khích khán giả hướng tới một tương lai bền vững với những thiết kế sáng tạo vẫn còn đó. Sáng tạo giúp chúng ta đương đầu với thay đổi, và vì thế giới thay đổi không ngừng, nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa sẽ được giới thiệu tại các sân chơi nghệ thuật như sự kiện VFCD thường niên.
Nguồn: RMIT