Liên kết đào tạo trực tuyến: 'Thả lỏng là một năm ra cả ngàn tiến sĩ'

04/10/2017 19:13 GMT+7

Khẳng định đào tạo trực tuyến là xu thế đang phát triển mạnh và không thể "trốn tránh", song các chuyên gia cũng cho rằng cần kiểm soát chặt về chất lượng để hạn chế tiêu cực.

Nhiều ngành không thể đào tạo trực tuyến
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Trường đại học Việt Pháp, cho rằng dù đào tạo trực tuyến đang là xu hướng, song một số ngành không thể đào tạo trực tuyến, chẳng hạn như những ngành đào tạo kỹ sư hay các ngành đòi hỏi phải gắn liền với cơ sở thực hành, cơ sở vật chất, thiết bị.
"Hầu hết các chương trình liên kết đào tạo của chúng ta hiện nay được Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp phép là các khối ngành mà việc đào tạo không cần phòng thí nghiệm. Gần như rất ít các chương trình kỹ sư hay y dược… vì cơ sở vật chất, thiết bị thực hành không có", bà Huyền nói.
Vì vậy, bà Huyền tin rằng, nếu các trường Việt Nam không có hệ thống trang thiết bị phục vụ cho thí nghiệm thì các trường đại học tốt của nước ngoài cũng sẽ không "vào" Việt Nam để liên kết đào tạo những ngành này.
"Khi nhận nghiên cứu sinh thì đề tài của nghiên cứu sinh buộc phải theo đề tài của thầy và phải sẵn các trang thiết bị cho nghiên cứu đó. Nghiên cứu sinh rời khỏi phòng thí nghiệm thì cũng không thể làm được việc vì các phân tích nghiên cứu đều phải thực hiện trong phòng nghiên cứu này. Đào tạo trực tuyến mà thoát ly những điều kiện như thế thì các trường đại học trên thế giới cũng không cho phép thực hiện", bà Huyền nhìn nhận.

tin liên quan

Lúng túng công nhận bằng đào tạo từ xa: Quản lý chưa bắt kịp xu thế
Đào tạo trực tuyến là xu hướng tương lai, mang lại nhiều lợi ích song các chuyên gia cũng thừa nhận việc phát triển hình thức đào tạo này còn gặp nhiều khó khăn tại VN do thiếu quy định pháp lý mang tính hướng dẫn. Nếu còn chần chừ, VN sẽ chậm nhịp so với thế giới.
Một cán bộ Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, đào tạo trực tuyến thường chỉ phù hợp trong việc học để lấy các chứng chỉ, khi người học đã có sẵn nền tảng, chỉ bổ sung các kiến thức cần thiết. Còn khi học nghề như học về công nghệ, cần phải trao đổi 2 chiều, thì học trực tuyến sẽ không được như học trực tiếp, dù có khá nhiều công cụ và người học cũng nhìn được thầy. Hay như một số ngành cần phòng thí nghiệm, thực hành cũng khó thực hiện được với hình thức đào tạo online.
Cần kiểm soát chất lượng để hạn chế tiêu cực
Giáo sư Hà Huy Bằng, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng hiện nay nhu cầu học trực tuyến là nhu cầu có thật. Đây cũng là một xu hướng tốt cho những người thực sự có nhu cầu tiếp nhận kiến thức.
"Trước đây, chúng ta có chuyên tu, tại chức, từ xa, thì nay có thêm hình thức đào tạo trực tuyến nữa là hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Dù vậy, Nhà nước cũng cần có cơ chế để giám sát chặt chẽ vấn đề chất lượng, ngăn chặn những tiêu cực của hình thức này. Bởi nếu không cẩn thận, việc cấp bằng sẽ tràn lan dẫn đến nguy cơ lạm dụng, làm cho thật giả lẫn lộn", ông Bằng nói.
Khẳng định quan điểm phải tiếp cận chứ không trốn tránh, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo), cũng cho rằng phải có công cụ để kiểm soát hữu hiệu, không có công cụ thì chưa làm. "Nếu mà thả lỏng thì có khi một năm ra cả ngàn tiến sĩ ngay", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, ở các nước phát triển, quan điểm hoàn toàn khác vì họ chỉ học để lấy kiến thức, không quan tâm tới bằng cấp, còn Việt Nam thì ngược lại. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học ngay cả ở những nước phát triển nhưng nếu không phải đào tạo nhân lực cho chính quốc gia đó thì họ cũng sẵn sàng không quan tâm tới vấn đề chất lượng trong khi nhiều trường đại học của Việt Nam thì muốn tăng nguồn thu.
Ông Nghĩa cũng cho biết, trong lộ trình sắp tới, việc triển khai sẽ được kiểm soát rất chặt từ việc ngành đào tạo nào thì có thể đào tạo trực tuyến tới việc kiểm tra đánh giá.
"Chúng ta sẽ không đóng cửa kín lại khiến cái tốt của đào tạo trực tuyến không đưa vào được nhưng phải kiểm soát rất chặt nếu không sẽ hỏng hết. Quan điểm là theo lộ trình mở ra bao nhiêu sẽ kiểm soát chặt về chất lượng bấy nhiêu để đảm bảo phát huy thế mạnh của trực tuyến nhưng cũng ngăn ngừa được những yếu tố lộn xộn, tiêu cực của hình thức này", ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.
"Để có dịp nghe các chuyên gia hàng đầu thế giới giảng là rất khó, nhất là trong môi trường nghiên cứu khoa học ở mình. Trong khi đó, những bài giảng đó chất lượng rất cao. Việc trên mạng có một số bải giảng của một số chuyên gia mà mình không thể tiếp cận được trực tiếp để những nhà nghiên cứu trẻ như chúng tôi hoặc các nghiên cứu sinh theo dõi là rất tốt.
Tôi biết hiện nay một số trung tâm toán học lớn vẫn thường xuyên quay clip các bài giảng của các giáo sư nổi tiếng rồi cho lên youtube hoặc một số nơi diễn đàn chuyên môn… Vì thế, cá nhân tôi mỗi khi cần một chủ đề gì đó thì lại lên mạng tìm kiếm theo từ khóa tên của một giáo sư đầu ngành nào đó, hoặc chủ đề mình cần, để ngồi nghe lại những bài giảng liên quan và thấy rất hiệu quả.
Nhưng đó là những đơn vị kiến thức đơn lẻ. Còn với những chương trình đào tạo hoàn chỉnh, đào tạo xong cấp bằng hoặc cấp chứng chỉ thì tôi e là cần phải được kiểm soát về mặt chất lượng. Vì mức độ tự giác của người học rất khác nhau, cho nên vẫn rất cần hình thức đào tạo truyền thống kiểu như tổ chức trường lớp để người học đến học. Còn đào tạo trực tuyến thì chỉ nên là một hình thức đóng góp một tỷ lệ nhất định vào việc đào tạo".
Tiến sĩ Đoàn Trung Cường, Viện toán học - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.