Đà Lạt và các vùng lân cận có gần 8.000 ha trồng hoa, tương đương 40% diện tích trồng hoa cả nước, chiếm 50% sản lượng cung ứng ra thị trường cả nước. Thế nhưng, hệ thống kinh doanh, phân phối còn nhiều bất cập.
Tại hội thảo chương trình hợp tác thành lập trung tâm giao dịch hoa, tổ chức tại TP.Đà Lạt đầu năm 2017, ông Susumu Kiryu, Giám đốc Viện Nghiên cứu hoa OTA (Nhật Bản), cho rằng lâu nay nông dân Đà Lạt không quyết định được giá bán hoa của mình, hoặc rất mù mờ về giá khi giao cho thương lái làm trung gian. Sau khi trừ hết các chi phí và lợi nhuận, người buôn hoa mới giao tiền cho nông dân. Thực tế, nhiều năm qua, giá hoa Đà Lạt không ổn định, khi đến tay người tiêu dùng giá bị đẩy lên cao do qua nhiều khâu trung gian. Ông Tôn Thiện San, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, nhận định: “Vấn đề liên kết thương mại giữa các tỉnh, chợ đầu mối cần phải được quan tâm trong chuỗi cung ứng giá trị ngành hoa, tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá thương hiệu, Đà Lạt cần có trung tâm đấu giá hoa giúp người dân chủ động giá cả cho sản phẩm”.
Qua sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), từ năm 2014, tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM bàn bạc việc liên kết thực hiện dự án Trung tâm giao dịch hoa tại TP.Đà Lạt và TP.HCM. Ông Tôn Thiện San cho biết Đà Lạt đã quy hoạch khu đất rộng gần 17 ha dưới chân đèo Mimoza (gần thác Prenn) để xây dựng trung tâm. Trong 2 năm qua, UBND TP.Đà Lạt phối hợp với Công ty OTA (Nhật Bản) xúc tiến việc thành lập trung tâm này và cải thiện việc phân phối hoa. Theo đó, trung tâm có nhiệm vụ thu gom hoa từ Đà Lạt và các vùng phụ cận như huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương… để xử lý sau thu hoạch. Hoa được phân loại, cắt tỉa, ngâm nước, trữ kho lạnh, đóng gói và vận chuyển bằng xe tải lạnh về TP.HCM tiêu thụ. Đồng thời, tại TP.HCM, Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) làm chủ đầu tư dự án Trung tâm giao dịch hoa, cây kiểng, cá cảnh được xây dựng tại khu thương mại Bình Điền (Q.8), với diện tích 14 ha. Đây là nơi tiếp nhận đến 90% sản lượng hoa của Đà Lạt. Chủ dự án cho biết trong năm 2017 sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 1 và từ năm 2018 sẽ mở rộng, đầu tư hoàn chỉnh dự án. Từ đó, hình thành chuỗi cung ứng hoa hiện đại gồm: thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, đóng gói, làm mát, trữ mát, vận chuyển bằng xe lạnh đến người tiêu dùng.
Ông Susumu Kiryu cho biết trung tâm giao dịch hoa sẽ hướng đến mục tiêu công khai, minh bạch giá mua bán hoa cho nông dân, điều mà từ lâu nông dân trồng hoa không được quyết định. Ngoài ra, trung tâm còn góp phần tạo ra quy chuẩn về hoa trên thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, giá cả hoa bằng công nghệ thông tin, ký kết hợp đồng trồng hoa và thực hiện việc thanh toán tiền cho nông dân. “Với mô hình liên kết này, những người tham gia chuỗi cung ứng, phân phối sẽ được tăng lợi nhuận, đồng thời giảm chi phí cung ứng và phân phối hoa”, ông Susumu Kiryu nói.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết trải qua gần 80 năm hình thành nghề trồng hoa, Đà Lạt trở thành vùng sản xuất hoa lớn nhất và nổi tiếng nhất cả nước, với hàng trăm doanh nghiệp, nông hộ sản xuất hoa công nghệ cao. Mỗi năm, Đà Lạt cung cấp cho thị trường trên 2,3 tỉ cành hoa các loại, giá trị bình quân đạt 750 triệu đồng/ha/năm; nhưng xuất khẩu hoa chỉ chiếm 10% sản lượng. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là khâu tổ chức sản xuất manh mún, kỹ thuật canh tác chưa cao, việc xử lý bảo quản sau thu hoạch, đóng gói bao bì, vận chuyển chưa đảm bảo đúng quy cách dẫn đến tình trạng chất lượng hoa không bảo đảm, không thể kéo dài tuổi thọ của hoa.
|
Bình luận (0)