Liên kết du lịch miền Trung

28/03/2013 09:24 GMT+7

“Nhiều người hỏi tôi sao địa thế của miền Trung phía trước là biển, sau lưng là núi, ở giữa là những bãi cát trắng rất đẹp như thế mà miền Trung lại nghèo”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam mở đầu hội nghị về phát triển du lịch duyên hải miền Trung.

Nói xong, PGS.TS Thiên trả lời: ở miền Trung cái đẹp và sự giàu có không đi cùng nhau, mà còn nhiều khoảng cách. Vì vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân để xóa bỏ khoảng cách đẹp này. Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận trong năm 2012 là 16,816 triệu lượt khách, tăng 17,01% so với năm 2011, trong đó lượng khách quốc tế đạt hơn 4 triệu lượt, bằng 59,18% so với tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2012. Doanh thu du lịch của vùng duyên hải miền Trung trong năm 2012 là 15.076 tỉ đồng, chiếm khoảng 9,42% tổng doanh thu du lịch cả nước. Dù vậy, việc quản lý, khai thác dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Đặc biệt, tiềm năng, chính sách ưu tiên phát triển cho du lịch của các địa phương trong vùng khá tương đồng nên sản phẩm du lịch trùng lặp, đơn điệu, thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí bổ trợ, dẫn tới hiện tượng xung đột lợi ích giữa các khu du lịch trong cùng địa phương và giữa các địa phương, gây khó khăn cho việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch xuyên suốt cho toàn vùng. Sự giống nhau này, rõ ràng là không thể hấp dẫn du khách quốc tế. Các địa phương phải tìm sự liên kết để nối nhau thành một chuỗi giá trị thương hiệu du lịch miền Trung.

Theo PGS,TS Trần Đình Thiên, tài nguyên du lịch miền Trung có giá trị khác hẳn so với các vùng miền trên cả nước, và nguồn tài nguyên này đạt đến đẳng cấp cao của thế giới. “Tôi không thổi phồng, song cần phải coi tài nguyên du lịch ở miền Trung là vẻ đẹp, là tài sản chung của loài người, chứ không phải của riêng miền Trung hay của Việt Nam. Vì thế cần mời gọi những người giỏi nhất đến đây để tôn vinh vẻ đẹp của loài người. Nếu chúng ta làm khác đi, tức là chúng ta đang lãng phí tài nguyên du lịch miền Trung.”, PGS,TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh đến tiềm năng du lịch ở khu vực duyên hải miền Trung.

Liên kết du lịch miền Trung
Du khách đến tham quan di sản thế giới Mỹ Sơn - Ảnh: H.T

Liên kết để phát triển

Nói về sự liên kết để phát triển du lịch, PGS.TS Thiên cho biết, thế giới đã làm rất lâu rồi, còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên duyên hải miền Trung bắt tay vào làm.

Theo các chuyên gia, điều cần làm hiện nay là du lịch miền Trung cần xác định chiến lược phát triển là du lịch bền vững, chọn du lịch cấp cao làm nền tảng, bên cạnh đó phải quy hoạch chiến lược phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch để giữ môi trường du lịch. Trong khi đó, ông Kai Marcus Schroter, Phó chủ tịch Ủy ban du lịch châu u cho rằng, cần có một sân chơi bình đẳng, một chính sách ưu đãi nhất quán và môi trường đầu tư hấp dẫn, năng động, thủ tục hành chính phải công khai, minh bạc và một khi đã cam kết hỗ trợ nhà đầu tư thì phải thực hiện… Có như vậy, khu vực này mới thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông (đường bộ, đường không, cảng biển) phải đồng bộ, khắc phục tối đa tình trạng du khách phải di chuyển quá xa.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam đề xuất thành lập Hiệp hội du lịch miền Trung để làm đầu mối xâu chuỗi các vấn đề liên quan, hợp tác phát triển du lịch. Còn lãnh đạo Sở VH-TT-DL Bình Thuận và Thừa Thiên - Huế kiến nghị phải lập website chung để giới thiệu du lịch miền Trung, tổ chức hội chợ quốc tế về du lịch tại miền Trung để các địa phương được quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết du lịch vùng duyên hải miền Trung với Tây nguyên…

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, đã đến lúc du lịch miền Trung phải ngồi lại, liên kết với nhau thông qua những việc làm, hành động cụ thể, chứ đừng nói và làm theo kiểu “tiến 3 bước, lùi 2 bước” để rồi cứ mãi phát triển nhỏ lẻ, manh mún, chia cắt theo kiểu địa phương nhỏ hẹp.

HỮU TRÀ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.