Liên kết lưới điện khu vực để khai thác tốt năng lượng tái tạo

14/01/2022 13:44 GMT+7

Để khai thác tốt hơn nguồn điện tái tạo đang gia tăng một cách nhanh chóng thì việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực là một giải pháp rất khả thi.

Câu chuyện làm sao huy động được nhiều nguồn điện sạch, tránh cắt giảm năng lượng tái tạo đang là vấn đề nóng thời gian qua, với cả các nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý, chuyên gia.

Tại hội nghị Tổng kết năm 2021 của Tập đoàn Điện lực (EVN) hôm nay 14.1, ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đã kiến nghị EVN xem xét, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền về việc tăng tính kết nối, liên kết lưới điện của Việt Nam với các nước trong khu vực, nhằm khai thác tốt hơn nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam.

“Tiềm năng năng lượng tái tạo của chúng ta rất lớn, nằm phân tán ở nhiều vùng. Nên chăng có nghiên cứu liên kết lưới điện trong vùng để truyền tải khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch”, ông Bảo nói.

Điện tái tạo đang gia tăng nhanh chóng trong 2 năm lại đây và dự báo còn bùng nổ trong thời gian tới

ngọc thắng

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết như riêng năm 2021, số công suất đặt của riêng điện gió được bổ sung thêm đã lên tới 4.000 MW. Dù vậy, việc huy động một tỷ lệ cao năng lượng tái tạo, vốn có yếu điểm là thiếu tính ổn định, nhất là điện mặt trời, đã khiến cho việc điều độ hệ thống gặp nhiều khó khăn và nguy cơ bất ổn.

Do vậy, theo ông Ninh, cùng với vấn đề liên kết lưới thì cũng phải có những đầu tư các thiết bị vận hành linh hoạt. “Cần xem xét sớm và kỹ để vận hành an toàn cho hệ thống, nhất là tới đây, theo Quy hoạch Điện 8 đang hoàn thiện thì hệ thống điện của Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, sớm đạt từ 75.000 - 100.000 MW và lọt vào top 20 thế giới”, ông Ninh nói.

Nhiều thời điểm điện tái tạo chiếm 60% công suất

Báo cáo tổng kết năm 2021 của EVN tại hội nghị sáng nay cho hay, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao và trong đó nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện năng lượng tái tạo lên tới 60% công suất phụ tải. Điều này khiến công tác vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, xuất hiện tình trạng quá tải lưới điện truyền tải liên kết các miền và quá tải cục bộ tại một số khu vực.

Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện tình trạng “thừa nguồn”, đặc biệt là vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè. Cũng do nhu cầu điện giảm nên việc huy động các nhà máy nhiệt điện khí giảm thấp, chỉ bằng 65,59% so với khả năng cấp.

Minh họa cho thực tế này, ông Lê Văn Danh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 3, cho hay việc năng lượng tái tạo vào nhiều trong khi tăng trưởng phụ tải bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các nhà máy điện khí của doanh nghiệp bị giảm huy động đáng kể. Đáng ngại hơn nữa là tình trạng huy động gấp, không ổn định khiến hiệu suất giảm và phải khởi động hàng ngày ảnh hưởng tuổi thọ thiết bị. “Chúng tôi kiến nghị A0 làm sao tránh tình trạng dừng chạy máy hàng ngày, như trường hợp của Điện khí huy động Phú Mỹ vừa qua, phải ngừng nhiều”, ông Danh nói.

Liên quan vấn đề này, tại hội thảo mới đây của Hội đồng Điện gió toàn cầu, TS Peerapat Vithayasrichareon, Ban Tích hợp hệ thống năng lượng tái tạo (RISE) của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho rằng thách thức đối với việc tích hợp điện gió và điện mặt trời thường nhỏ hơn so với dự kiến ban đầu, bởi hệ thống điện đã có sẵn tính linh hoạt để tích hợp năng lượng tái tạo.

Theo chuyên gia này, có 4 yếu tố chính làm tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện: nhà máy điện, lưới điện, lưu trữ điện, quản lý nhu cầu sử dụng điện. Cho nên, nếu quản lý tốt các yếu tố này thì việc tích hợp các tỷ lệ năng lượng tái tạo cao sẽ trở nên an toàn, đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí. “Đường truyền tải được mở rộng cho phép mua bán điện giữa các khu vực là một phương án rất tốt. Với tỷ trọng điện gió và điện mặt trời cao thì việc mua bán xuyên biên giới cần được mở rộng để giảm thiểu tỷ lệ cắt giảm năng lượng này”, TS Peerapat Vithayasrichareon gợi ý.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết thêm, theo kế hoạch cấp điện năm 2022 đã được phê duyệt, dự kiến trong số 275,5 tỉ kWh huy động cho toàn hệ thống thì đóng góp của năng lượng tái tạo (chưa kể thuỷ điện) là 35,6 tỉ kWh, chiếm khoảng 13% nhu cầu của hệ thống điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.