Liên kết phát triển ngành dừa bền vững

14/04/2015 10:25 GMT+7

Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển ngành dừa vừa được tổ chức tại Bến Tre đã gợi mở nhiều giải pháp giúp đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến dừa một cách bền vững.

Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển ngành dừa vừa được tổ chức tại Bến Tre đã gợi mở nhiều giải pháp giúp đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến dừa một cách bền vững.

Liên kết phát triển ngành dừa bền vữngNgười trồng dừa ở Bến Tre đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: Giao Hòa
Liên kết lỏng lẻo
Ông Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh hiện có hơn 67.000 ha dừa, sản lượng khoảng 525 triệu trái/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD/năm. Sản phẩm của cây dừa ở Bến Tre đã đến được 68 quốc gia và vùng lãnh thổ; đứng đầu về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành dừa ở VN. Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là liên kết giữa người trồng dừa và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo. Từ khi tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 80 của Chính phủ, bước đầu tạo được phong trào sản xuất theo hợp đồng với liên kết 4 nhà. Một số doanh nghiệp thu mua, chế biến dừa trong tỉnh đã thực hiện thí điểm việc ký hợp đồng tiêu thụ dừa với nhà vườn, các đại lý thu mua sơ chế. Đây được xem là một hình thức giao dịch nông sản tiên tiến nhưng chưa thể triển khai rộng rãi vì ảnh hưởng của các yếu tố “lợi ích, rủi ro và quyền quyết định”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, canh tác 0,9 ha dừa tại xã Châu Hoà (H.Giồng Trôm, Bến Tre), cho biết từ trước đến nay, người trồng dừa ở xã Châu Hòa chỉ bán dừa khô nguyên liệu không qua sơ chế cho thương lái, mạnh ai nấy bán theo mối lái của mình, không có nhà máy hay đại lý của nhà máy thu mua nên giá cả liên tục biến động. Vì vậy, việc liên kết hợp tác phát triển ngành dừa sẽ giúp cho nhà vườn gia tăng giá trị kinh tế trên từng trái dừa. Nông dân sẽ ký hợp đồng với các nhà máy có uy tín để thu mua chế biến, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng một cách nghiêm túc và có sự ràng buộc trách nhiệm.
Theo đánh giá của ngành chức năng Bến Tre, việc liên kết còn lỏng lẻo là do doanh nghiệp hiện chỉ có vai trò trung gian thông qua ký hợp đồng thu mua dừa với các đầu mối là tổ hợp tác. Chính vì vậy, để mô hình liên kết 4 nhà thật sự phát huy trong sản xuất, tiêu thụ dừa cần xác định rõ nhà nước chỉ đóng vai trò thúc đẩy các quá trình liên kết. Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ dừa phải đóng vai trò hạt nhân trong mối quan hệ hợp đồng sản xuất với các bên tham gia liên kết. Còn UBND tỉnh sẽ chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở khuyến nông, bảo vệ thực vật… trở thành những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho người trồng dừa và doanh nghiệp. Phát triển các trung tâm tư vấn và hỗ trợ sản xuất theo hợp đồng để xây dựng mô hình liên kết, tư vấn và giải thích cho người trồng dừa, doanh nghiệp những khó khăn và thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Cần gạt bỏ lợi ích trước mắt
Ông Nguyễn Văn Quới, Phó chủ tịch UBND H.Giồng Trôm, cho rằng mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất tiêu thụ dừa còn những hạn chế vì giữa nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự tuân thủ tốt theo cam kết của hợp đồng cung ứng sản phẩm. Khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn thì doanh nghiệp có nhiều “chiêu thức” để tránh né thực thi hợp đồng hoặc đưa ra những ràng buộc khắt khe về tiêu chuẩn thu mua sản phẩm mà nông dân không đáp ứng được. Ngược lại, khi giá cả thị trường tăng đột biến thì nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, bán chui sản phẩm để đạt được lợi ích cao hơn. Do hai bên chạy theo lợi ích trước mắt, không thấy được lợi ích lâu dài, không có tầm nhìn xa hơn nên việc phát triển thiếu bền vững.
Ông Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, chia sẻ để liên kết, hợp tác phát triển ngành dừa bền vững, nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách và tạo môi trường pháp lý cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, nhà sản xuất với nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp với nhà sản xuất... Được như vậy thì mô hình liên kết 4 nhà sẽ được cải thiện lớn.
Theo ông Quới, để khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình liên kết 4 nhà, cần xây dựng quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp mang tính tín nhiệm và bền vững. Muốn được như thế thì doanh nghiệp phải dựa vào nông dân để xây vùng nguyên liệu chiến lược, nông dân cần xác định doanh nghiệp là chỗ dựa lâu dài trong tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước giữ vai trò điều phối cơ chế chính sách phù hợp để can thiệp và định hướng phát triển bền vững mối quan hệ liên kết nông dân và doanh nghiệp trong liên kết 4 nhà; tất nhiên vai trò của nhà khoa học không thể thiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.