>> Thêm trạm thu phí ở "điểm nóng" kẹt xe
>> Nông sản oằn lưng cõng phí - Kỳ 4: Lúa, cá “góp đủ thứ ”
>> Nông sản oằn lưng cõng phí - Kỳ 3: Heo, gà đang bị phí đè
Ở huyện Củ Chi, TP.HCM hình thành khá nhiều mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Tại Liên tổ sản xuất rau an toàn xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, hiện có hơn 50 hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap trên diện tích khoảng 20 ha. Ông Nguyễn Hoàng, Tổ trưởng liên tổ trên cho biết, nhờ gắn kết được với nhà phân phối là Saigon Co.op nên quy mô sản xuất được mở rộng, đời sống nông dân được đảm bảo. Saigon Co.op thường xuyên tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng. Nhờ nắm vững kỹ thuật, được đầu tư bài bản nên năng suất và sản lượng đều đạt khá cao, mỗi ngày Liên tổ Tân Phú Trung cung cấp từ 5 - 6 tấn rau củ quả các loại cho Saigon Co.op. Ông Hoàng cho biết, giá bán của bà con trong tổ sản xuất luôn cao hơn thị trường từ 10 - 15%, lợi nhuận bình quân của bà con từ 6 - 8 triệu đồng/ 1.000m2/ tháng. Còn phía Saigon- Coop, bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc, phụ trách mua của Saigon Co.op cho biết, ngoài việc có nguồn hàng ổn định, việc gắn kết này giúp siêu thị tiết kiệm được nhiều khoản chi phí từ đó quay lại hỗ trợ, nâng giá thu mua cho nông dân và bán sản phẩm ra với giá hợp lý để người tiêu dùng (NTD) được lợi.
Theo ông Văn Đức Mười, Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan, để bớt khâu trung gian chỉ có cách là sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng công nghiệp hiện đại. Còn với tình hình khó khăn hiện nay, Nhà nước nên rà soát lại, xem xét miễn, giảm một số loại phí để giảm bớt gánh nặng cho người nông dân và doanh nghiệp.
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (ĐH Nông lâm TP HCM) thì cho rằng: vấn đề nằm ở chỗ cấu trúc thị trường của chúng ta chưa hoàn hảo. Ít nhiều thì vẫn còn mang tính độc quyền trong việc thu mua. Nên chỉ có một cách là tạo ra môi trường kinh doanh tốt cho các nhà thu mua cạnh tranh lẫn nhau; khuyến khích các DN lớn nhảy vào cuộc (thu mua trực tiếp trong dân) để cắt bớt khâu trung gian.
Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy các nhà phân phối, hệ thống siêu thị họ tổ chức thu mua trực tiếp trong dân (các trang trại lớn) giúp loại bỏ được các khâu trung gian. Đơn cử như ở Hàn Quốc, 99% nông dân nằm trong các mô hình liên kết như HTX của VN. Nhờ sản lượng lớn nên dễ dàng gắn kết với các nhà phân phối với giá cả hợp lý. Nhưng ở Việt Nam, vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhà phân phối không thể thu mua trực tiếp nên vẫn phải qua một mạng lưới thu mua. Vì vậy, người nông dân phải liên kết lại với nhau trong các tổ nhóm, HTX sản xuất để có một lượng hàng hóa lớn hơn từ đó tạo ra tiếng nói mạnh hơn với nhà thu mua. “Theo tôi, việc gắn kết giữa nhà sản xuất với nhà thu mua phân phối không khó. Vấn đề ở Việt Nam hiện nay là làm sao liên kết sản xuất quy mô lớn. Nếu làm được việc này thì cái vòng luẩn quẩn trước nay sẽ được giải quyết”, TS Ngãi nói.
Chí Nhân
Bình luận (0)