Liên kết sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chưa chặt chẽ

24/11/2024 07:16 GMT+7

Mặc dù đạt kết quả tích cực nhưng việc liên kết sản xuất đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL vẫn còn thiếu thống nhất.

Ngày 23.11, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Trung tâm khuyến nông quốc gia và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức diễn đàn Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Liên kết sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chưa chặt chẽ- Ảnh 1.

Quang cảnh diễn đàn

ẢNH: THANH DUY

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNN), cho biết hiện có 7 mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL là Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Các mô hình có sự hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu thụ lúa gạo.

Với sự vào cuộc của doanh nghiệp, HTX, các mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Lượng giống giảm 30-80kg/ha, phân bón giảm 30-70kg đạm/ha. Điển hình, vụ hè thu 2024, việc áp dụng đúng kỹ thuật giúp Cần Thơ tăng lợi nhuận ròng 1-6 triệu đồng/ha (giống OM5451), Sóc Trăng là 13-18 triệu đồng/ha (giống ST25).

Theo ông Tùng, với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các địa phương gần như đã hoàn thiện về mặt tiêu chí, lộ trình, chuyên môn, cơ sở hạ tầng thực hiện. Vấn đề nằm ở chỗ, mô hình của Bộ NN-PTNT áp dụng duy nhất một quy trình canh tác trong toàn khu vực tham gia đề án, từ quản lý sản xuất cây lúa, liên kết của doanh nghiệp, định hướng tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, đến nay, chuỗi liên kết này vẫn chưa có sự chặt chẽ, đồng bộ.

Liên kết sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chưa chặt chẽ- Ảnh 2.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo trong đề án 1 triệu ha lúa còn thiếu sự chặt chẽ

ẢNH: THANH DUY

Để nhân rộng hiệu quả mô hình trong đề án, phải hình thành được chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo để tạo ra động lực kết nối các thành tố khác tham gia đề án. "Mô hình liên kết là "chìa khóa" để đạt được các tiêu chí của đề án. Nếu chỉ là kỹ thuật canh tác thì chỉ đạt được giảm chi phí, giảm phát thải thấp chứ chưa nâng được giá trị, chưa hình thành được thương hiệu lúa gạo của vùng ĐBSCL nói riêng cũng như Việt Nam nói chung", ông Tùng nói.

Liên kết sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chưa chặt chẽ- Ảnh 3.

Hiện có 7 mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 5 tỉnh, thành ở ĐBSCL

ẢNH: THANH DUY

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh, mặc dù hiện nay mô hình liên kết đã có. Tuy nhiên, việc nhân rộng cần phải tính toán lại số lượng hợp tác xã, doanh nghiệp theo tiêu chí nền tảng tài chính, năng lực. Việc này, nhằm xác định khả năng đảm nhận được bao nhiêu ha trong đề án để "phân vùng" cho họ. Đây là cách để định hình cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo sạch. Bởi, doanh nghiệp kiểm soát được vùng nguyên liệu của mình mới tạo được uy tín, cung cấp cho thị trường ổn định và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Để thực hiện được những giải pháp trên, sở NN-PTNT cũng như các đơn vị trực thuộc sở phải đẩy mạnh việc cần triển khai mô hình đến từng huyện, từng xã. Khi có mô hình cụ thể mới thuyết phục được nông dận hưởng ứng, nhân rộng. Nếu không làm được thì tốc độ thực hiện đề án sẽ chậm, khó thể đạt các yêu cầu đã đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.