Ngày 6.12, tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế EU, Hungary đã sử dụng quyền phủ quyết để chặn gói viện trợ trị giá 18 tỉ euro (tương đương 18,93 tỉ USD) của EU cho Ukraine vào năm 2023.
Phó chủ tịch EC Valdis Dombrovskis (trái) và Cao ủy phụ trách ngân sách và quản lý Johannes Hahn |
Reuters |
Gói hỗ trợ được EU đưa ra sau khi Mỹ và Ukraine gây sức ép buộc phương Tây phải tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Kyiv và đảm bảo tính nhất quán, liên tục trong việc tài trợ.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga cho biết Budapest sẽ hỗ trợ song phương cho Kyiv nhưng phản đối gói vay ưu đãi cho Ukraine thông qua khoản vay chung của EU. Ông Varga nhấn mạnh nợ chung của EU không phải là giải pháp và nếu tiếp tục đi theo con đường này thì sẽ không thể quay đầu.
Cũng trong ngày 6.12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban viết trên tài khoản Twitter rằng: “Chúng tôi hình dung về một tương lai khác cho châu Âu, một tương lai được xây dựng dựa trên các quốc gia thành viên vững mạnh, thay vì đống nợ chung khổng lồ”.
Bên cạnh đó, Hungary cũng phủ quyết thỏa thuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn quốc tế lớn trên toàn EU.
Khăn choàng của Thủ tướng Hungary vì sao khiến Ukraine giận dữ? |
Phản ứng của EU
Bộ trưởng Tài chính Zbynek Stanjura của Cộng hòa Czech, nước chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, khẳng định lập trường của Hungary sẽ không ngăn được các nước khác, đồng nghĩa với việc họ sẽ tìm kiếm giải pháp được 26 quốc gia thành viên còn lại của EU ủng hộ để hoàn tất viện trợ cho Ukraine. Tham vọng của EU là có thể bắt đầu giải ngân khoản viện trợ này ngay từ tháng 1.2023.
Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis lấy làm tiếc về sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine bởi việc viện trợ kịp thời sẽ giúp Ukraine “sống sót qua mùa đông” này, đồng thời nhấn mạnh EU sẽ tìm ra cách để giải quyết vấn đề.
Cũng trong ngày 6.12, các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhất trí loại bỏ khỏi chương trình nghị sự việc quyết định khoản tiền 7,5 tỉ euro, vốn chiếm 65% quỹ gắn kết dành cho Hungary từ ngân sách EU cho đến cuối năm 2027 vì Hungary vẫn chưa thực hiện được 17 cam kết về cải cách pháp quyền và các vấn đề liên quan tham nhũng. Đồng thời, các bộ trưởng nhất trí trì hoãn quyền tiếp cận của Budapest với khoản ngân sách trị giá 5,8 tỉ euro trích từ gói kích thích kinh tế của khối, vốn được lập ra để giúp các nền kinh tế EU phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Các cơ quan giám sát quốc tế cho biết trong những năm qua, Thủ tướng Orban đã chuyển số tiền mà EU hỗ trợ cho những người thân cận của mình để duy trì quyền lực.
Cao ủy Tư pháp châu Âu Didier Reynders nhấn mạnh EU sẽ giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các cải cách mang tính ràng buộc của Hungary, đồng thời cảnh báo việc trì hoãn các cải cách sẽ cản trở mọi khoản thanh toán tiếp theo của EU cho Budapest.
Tổng số tiền mà EU đang quyết định trì hoãn quyền tiếp cận của Hungary ước tính bằng khoảng gần 9% GDP của nước này trong năm 2022. Dự kiến, các thành viên EU sẽ bỏ phiếu về việc ủng hộ, từ chối hoặc thay đổi khuyến nghị về việc đóng băng khoản viện trợ cho Hungary trước ngày 19.12. Tuy nhiên, với tốc độ đàm phán hiện tại, Hungary khó có thể nhận được bất kỳ khoản tiền nào trước mùa xuân.
Tổng thống Vucic: Mỹ từng thúc giục Hungary xâm lược Serbia |
Đây được coi là một biện pháp gây áp lực của EU đối với chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban, nhất là trong bối cảnh ông Orban đang rất cần tiền để thúc đẩy nền kinh tế “ốm yếu” của nước mình.
Ông Daniel Freund, thành viên nghị viện châu Âu, nhấn mạnh rằng ông Orban đang “lạm dụng quyền phủ quyết mà chưa ai từng làm”, thậm chí biến khoản viện trợ thiết yếu cho Ukraine thành con tin để phục vụ lợi ích của mình và đã “tặng cho ông Putin một món quà không thể tuyệt vời hơn”. Tuy nhiên, ông Freund cũng tin rằng EU sẽ tìm ra cách hỗ trợ Ukraine ngay cả khi không có Hungary, đồng nghĩa với việc “khối sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhiều nỗ lực và chi phí hơn”.
Một số quốc gia thành viên EU cho rằng Hungary đang sử dụng quyền phủ quyết để gâp áp lực buộc các đồng minh phải nhất trí thông qua khoản viện trợ 5,8 tỉ euro dành cho họ trong quỹ phục hồi Covid-19 của EU.
Ngày 6.12, trả lời phỏng vấn Reuters, Bộ trưởng Tài chính Lithuania (Litva) Gintare Skaiste chỉ trích rằng việc Hungary trì hoãn kế hoạch viện trợ cho Ukraine trong năm 2023 để xin phê duyệt kế hoạch phục hồi của chính mình từ hàng tỉ USD ngân sách EU là “vô đạo đức”.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Sigrid Kaag cho rằng “uy tín của EU sẽ bị giảm” nếu khối không thể triển khai gói hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Một nhà ngoại giao trong EU đề xuất rằng việc EU vẫn quyết định viện trợ cho Ukraine mà không cần phải có sự tham gia của Hungary sẽ là một cách “lấy đi phần đòn bẩy lớn nhất của ông Orban” đối với khối.
Giải pháp khác biệt
Theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối, EU cần sự nhất trí của toàn bộ thành viên thông qua việc viện trợ tài chính cho Ukraine. Tuy nhiên, Hungary đã dựa vào nguyên tắc này để phủ quyết, do đó, 26 quốc thành viên EU còn lại có thể tự chuyển viện trợ cho Ukraine thông qua kênh song phương, dù việc phối hợp hành động sẽ phức tạp hơn.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đi qua các lá cờ của EU |
Reuters |
Về phía Hungary, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Hungary đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Viktor Orban đã thừa nhận rằng Ukraine cần hỗ trợ để vận hành các dịch vụ thiết yếu nhưng nhấn mạnh Hungary sẽ tiếp tục ngăn cản gói hỗ trợ cho vay chung của EU cho Ukraine. Ông Orban đề xuất các nước thành viên EU nên rút một phần ngân sách của mình để hỗ trợ Ukraine qua các thỏa thuận song phương, thay vì lấy từ ngân sách chung của khối.
Trước đó, ông Orban khẳng định Hungary sẵn sàng cung cấp cho Ukraine 60 - 70 tỉ forint (tương đương 152 - 178 triệu USD) từ ngân sách nước này theo các điều khoản song phương.
Về phía EU, Phó chủ tịch EC Dombrovskis nói rằng cuộc chiến ở Ukraine “đòi hỏi sự đoàn kết và tốc độ”. Hiện nay hàng triệu người đang sống trong cảnh không có nước, điện hoặc nhiệt sưởi ấm, nên cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp.
Bộ trưởng Tài chính Czech Zbynek Stanjura cho biết EU đang cố hết sức để đảm bảo số tiền viện trợ có thể được giải ngân vào đầu tháng 1.2023. Ông nhấn mạnh: “Dù đó là kế hoạch A hay B, chúng tôi phải thực hiện bằng bất kỳ giá nào”.
Ngoài ra, Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cho biết ông sẽ đến Brussels (Bỉ) để “tham khảo ý kiến của các quan chức Hungary và đối tác cấp cao của EU, NATO” về một loạt vấn đề cấp bách được quan tâm do lo ngại về nguy cơ chia rẽ có thể lan rộng trong liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine. Đại sứ Pressman nhấn mạnh: “Việc duy trì tinh thần đoàn kết vào thời điểm này là tối quan trọng”.
Đây không phải là lần đầu tiên Hungary sử dụng quyền phủ quyết để cản trở các quyết sách chung của EU. Hồi tháng 10 vừa qua, Budapest cũng đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga với cáo buộc rằng chúng gây ra khủng hoảng năng lượng và đề nghị EU không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nào với nguồn cung dầu của Nga nữa.
Mối quan hệ giữa Hungary và EU đã “cơm không lành, canh không ngọt” từ lâu. Mặc dù là một quốc gia nhận được nhiều quỹ của EU, nhưng Hungary dưới thời Thủ tướng Viktor Orban đang ngày càng bị chỉ trích vì xa rời các chuẩn mực dân chủ của khối với các cáo buộc về việc phá bỏ các thể chế dân chủ, kiểm soát các phương tiện truyền thông và vi phạm các quyền của thiểu số tôn giáo hoặc sắc tộc.
Những chia rẽ, rạn nứt vừa qua trong EU liên quan đến quan điểm khác biệt của Hungary đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc liệu đã đến lúc EU cần tìm ra giải pháp để tránh những cản trở có nguy cơ làm suy yếu sự thống nhất và các chính sách an ninh của khối.
Bình luận (0)