AFP đưa tin Liên minh châu Phi ngày 9.9 đã chính thức tiếp nhận chiếc ghế thành viên thường trực của G20 theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tổ chức với 55 nước thành viên của châu Phi giờ có chung địa vị như Liên minh châu Âu tại G20.
Hội nghị G20 khai mạc tại New Delhi vào sáng 9.9 và dự kiến diễn ra trong 2 ngày. Trước khi phát biểu khai mạc, Thủ tướng Modi đã đón chào Chủ tịch Liên minh châu Phi, hiện là Tổng thống Azali Assoumani của Comoros với một cái ôm thắm thiết.
Theo Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã đề xuất trao tư cách thành viên thường trực G20 cho Liên minh châu Phi, cho biết toàn bộ thành viên đều ủng hộ đề xuất. "Với sự phê chuẩn của tất cả mọi người, tôi đề nghị lãnh đạo Liên minh châu Phi tiếp quản chiếc ghế với cương vị thành viên thường trực G20", ông Modi nói và gõ búa theo nghi thức.
Ông Assoumani kế đó ngồi vào chiếc ghế bên cạnh những lãnh đạo thế giới theo lời mời của Ngoại trưởng nước chủ nhà S. Jaishankar.
Việc mở rộng G20 được xem là chiến thắng ngoại giao nổi bật của Thủ tướng Modi. "Thế giới đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Chiến tranh đã khiến sự suy giảm niềm tin này sâu sắc hơn. Nếu chúng ta có thể đánh bại Covid-19, chúng ta cũng có thể chiến thắng cuộc khủng hoảng niềm tin chung này", Thủ tướng Modi phát biểu.
Việc kết nạp Liên minh châu Phi vào G20 sẽ giúp châu lục này có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế. Trước đó, quốc gia châu Phi duy nhất là thành viên G20 là Nam Phi.
G20 được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999 nhằm tìm kiếm sự hợp tác kinh tế quốc tế tốt hơn để đối phó với các cuộc khủng hoảng xuyên biên giới.
Trong những năm đầu, chỉ có các bộ trưởng kinh tế-tài chính nhóm họp nhưng sau đó, các lãnh đạo toàn bộ quốc gia thành viên quyết định gặp nhau mỗi năm một lần sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, hội nghị năm nay vắng mặt một số nhân vật nổi bật như Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ấn Độ gây tranh cãi khi thay tên nước 'India' bằng 'Bharat' trên thư mời hội nghị thượng đỉnh G20
Trước khi Liên minh châu Phi gia nhập, G20 có 19 nước và Liên minh châu Âu là thành viên, đại diện cho khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới.
Các chủ đề chính năm nay gồm kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương cho các nước đang phát triển vay thêm tiền, cải cách cấu trúc nợ quốc tế, quy định về tiền kỹ thuật số và tác động của địa chính trị lên an ninh lương thực và năng lượng.
Bình luận (0)