Phim lậu 'lộng hành' tại Việt Nam
Hơn chục năm trở lại đây, các website phim lậu tại Việt Nam phát triển như "vũ bão" với số lượng lên đến hàng trăm. Trong đó, Phimmoi.net được biết đến là một trong những trang phim lậu hoạt động lâu nhất tại Việt Nam khi bắt đầu nổi lên từ đầu những năm 2010. Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) đánh giá đây là website phát trực tuyến vi phạm bản quyền được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam. Ở giai đoạn "đỉnh cao" (từ tháng 6.2019 đến tháng 6.2020), Phimmoi là trang web phổ biến thứ 22 tại Việt Nam và trung bình có hơn 69 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Trong khi đó, Fmovies (ra mắt năm 2016) được nhắc đến là đường dây phim lậu lớn nhất thế giới với nhóm điều hành tại Hà Nội. ACE cho biết Fmovies cùng các website phim lậu có liên quan như bflixz, flixtorz, movies7, myflixer và aniwave, đã thu hút hơn 6,7 tỉ lượt truy cập (tính từ tháng 1.2023 đến tháng 6.2024). Theo công ty phân tích dữ liệu SimilarWeb, vào giai đoạn phát triển mạnh nhất, Fmovies là trang web phổ biến thứ 11 toàn cầu trong danh mục TV, phim và phát trực tuyến.
Các trang phim lậu này trở thành lựa chọn hấp dẫn, tối ưu của đông đảo "mọt phim". Khi truy cập các website trái phép này, họ được xem miễn phí kho phim khổng lồ (từ điện ảnh cho đến truyền hình, từ các bộ phim xa xưa cho đến những "bom tấn" vừa ra mắt), hàng loạt chương trình giải trí mới nhất mà không phải bỏ tiền mua vé ra rạp hay đăng ký tài khoản trên các nền tảng phát trực tuyến có tính phí như: Netflix, Hulu, Disney+…
Nhờ lượng truy cập đông đảo, những kẻ đứng sau đường dây phim lậu kiếm bộn tiền từ quảng cáo. Theo số liệu được ACE công bố tháng 8.2021, Phimmoi có thể kiếm được tới 170.000 USD/tháng (hơn 4,2 tỉ đồng) chỉ riêng doanh thu từ quảng cáo. Việc trang này cung cấp phim, chương trình giải trí bất hợp pháp đã gây thiệt hại nặng nề cho nền công nghiệp nội dung của Việt Nam cũng như quốc tế.
Việc xử lý những website phim lậu này là một thách thức lớn với các cơ quan chức năng vì khó có thể truy ra nguồn gốc cũng như nơi lưu trữ của dịch vụ. Nhiều trang web phim lậu, mà nổi bật là Phimmoi.net nổi tiếng là "vua lì đòn" khi liên tục "hồi sinh" sau bao lần bị đánh sập và tiếp tục hoạt động với những tên miền mới: Phimmoizz.net, Phimmoizzz.net, Phimmoii.org, zPhimmoi.tv...
ACE nhận định Việt Nam là một trong những nước có mức độ vi phạm bản quyền kỹ thuật số cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một cuộc khảo sát vào tháng 3.2021 do nhóm nghiên cứu người tiêu dùng YouGov (Anh) thực hiện cho thấy 60% người tiêu dùng Việt Nam truy cập các trang web vi phạm bản quyền và 21% người tiêu dùng sử dụng thiết bị phát trực tuyến trái phép để truy cập vào các nội dung độc quyền.
Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ, sự bùng nổ các trang web vi phạm bản quyền trên thế giới gây tổn hại hàng chục tỉ USD cho nền kinh tế nước này, hơn 230.000 việc làm bị mất do vi phạm bản quyền kỹ thuật số hằng năm.
Cơ quan chức năng Việt Nam và liên minh ngành phim 'ra tay'
Trước sự phát triển tràn lan của các trang web phim lậu trên thế giới (trong đó có Việt Nam) và những thiệt hại nặng nề mà chúng gây ra, Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) được thành lập vào năm 2017 nhằm chống vi phạm bản quyền trực tuyến, bảo vệ sự sáng tạo và đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí, bản quyền cốt lõi.
Hiện liên minh này bao gồm hơn 50 công ty, hãng phim và hiệp hội truyền thông - giải trí trên toàn thế giới. Các thành viên hội đồng quản trị hiện tại của ACE là Amazon, Apple TV+, Netflix, Paramount Global, Sony Pictures, Universal Studios, Walt Disney Studios và Warner Bros. Discovery.
Hôm 29.8, ACE tiết lộ họ đã làm việc với Công an Hà Nội đóng Fmovies và các trang web vi phạm bản quyền có liên quan. The Hollywood Reporter cho biết hai người đàn ông Việt Nam đã bị Công an Hà Nội bắt giữ vì liên quan đến đường dây phim lậu này.
Ông Charles Rivkin, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) đồng thời là chủ tịch của ACE nhận định việc gỡ bỏ Fmovies là một chiến thắng đáng kinh ngạc cho dàn diễn viên, đoàn làm phim, biên kịch, đạo diễn, hãng phim và cộng đồng sáng tạo toàn cầu. Họ không chỉ cắt bỏ một nhánh của đường dây mà truy tận gốc nạn vi phạm bản quyền.
"Với sự lãnh đạo của ACE và sự hợp tác của Bộ Công an và Công an Hà Nội, chúng tôi đang chống lại hoạt động tội phạm, bảo vệ sự an toàn của khán giả, giảm thiểu rủi ro cho hàng chục triệu người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi cũng như sinh kế của những người sáng tạo nội dung", ông Rivkin nói thêm. Vị này cũng lưu ý rằng trước khi Fmovies bị đóng, 5 trang web vi phạm bản quyền tiếng Anh hàng đầu đều nằm ở Việt Nam.
Việc triệt phá đường dây phim lậu lớn nhất thế giới - Fmovies, không phải là chiến thắng đầu tiên của ACE cũng như cơ quan chức năng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại nạn vi phạm bản quyền trong ngành giải trí, sáng tạo.
Tháng 8.2021, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM, đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến Phimmoi.net. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc xử lý vi phạm bản quyền phim. Thời điểm đó, ACE đã đăng bài chúc mừng cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam đã xác định, triệu tập chính thức người sáng lập và điều hành Phimmoi.net như một phần của quá trình khởi tố hình sự.
Tháng 7.2024, ACE tiếp tục đăng bài tán dương tòa án và cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam vì đã kết án 3 nhà điều hành của các trang web phát trực tuyến bất hợp pháp (trang phim lậu) bilutvt.net, tvhayh.org và hlss.pro trong một vụ án mà nhiều thành viên ACE khiếu nại. Liên minh này dẫn thông tin TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt bị cáo Phan Ngọc Tuấn mức án 24 tháng tù treo, 48 tháng quản chế và tịch thu hơn 2 tỉ đồng xung vào công quỹ. Hai người điều hành khác cũng bị kết án.
Cuộc chiến dài hơi
Chiến dịch diệt tận gốc nạn phim lậu đang được thực hiện một cách bài bản, quy mô với sự hợp tác của ACE cùng các nhà chức trách Mỹ - Việt Nam.
Năm 2023, bà Karyn Temple - Phó chủ tịch điều hành và cố vấn chung toàn cầu của MPA, đã trình bày về Fmovies trong lời điều trần trước một ủy ban quốc hội, nêu bật những nguy cơ và tình trạng vi phạm bản quyền kỹ thuật số đang gia tăng. Bà và một phái đoàn đã đến Việt Nam vào mùa hè năm ngoái để gặp Bộ Công an về vụ án. Trang Deadline cũng dẫn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã thành lập một đơn vị để xử lý các trang web vi phạm bản quyền.
Ông Charles Rivkin cho biết trong nhiều trường hợp, những người truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền, thậm chí không nhận ra đó là hành vi sai trái. Chủ tịch ACE nói thêm rằng MPA đang vận động hành lang để luật pháp Mỹ cho phép chặn các trang web vi phạm bản quyền trên toàn quốc, tương tự như luật pháp hiện hành ở hơn 60 quốc gia khác.
Tháng 6.2024, ông Charles Rivkin tiết lộ trên X rằng ông đã đến gặp ông Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, để thảo luận cách tăng cường mối liên kết giữa các nền kinh tế sáng tạo của hai bên và bảo vệ sinh kế của lực lượng lao động sáng tạo thúc đẩy sự tăng trưởng chung.
Sau vụ triệt phá Fmovies, bà Larissa Knapp (cựu quan chức cấp cao của FBI vừa gia nhập MPA với tư cách là Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc bảo vệ nội dung) cho biết việc gỡ bỏ đường dây phim lậu này gửi đi "một thông điệp răn đe mạnh mẽ". Vị này nói họ mong muốn tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan điều tra an ninh nội địa Mỹ và chương trình về sở hữu trí tuệ và tội phạm mạng quốc tế của Bộ Tư pháp Mỹ để đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý.
Ông Marc E. Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết trong một tuyên bố: "Tăng cường quyền sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng của Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam. Các vụ truy tố này chứng minh cam kết của Việt Nam đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, góp phần vào hệ sinh thái kinh tế nơi những người sáng tạo và phát minh có thể phát triển mạnh mẽ".
Bình luận (0)