|
Đến hôm nay 15.7, gia đình ông Trần Bá Tin, 86 tuổi, tổ 10 khu 4 và gia đình ông Nguyễn Đình Tiến, tổ 11 khu 5, phường Hà Tu đã được di dời đến nơi ở an toàn.
Sau trận mưa lớn ngày 14.7, nước mưa kèm bùn đất từ trên đồi cao đổ ập xuống nhà ông Tin khiến bức tường đổ sập. Căn nhà trống của ông Tiến có nhiều vết nứt lớn, tuyến kè trước sân nhà ông đang nứt vỡ.
10 thanh niên được huy động đến giúp hai gia đình ổn định cuộc sống mới, tuy nhiên đến hôm nay khối đất đá khổng lồ này vẫn chưa được dọn hết.
Trước đây hơn một tuần, cơn mưa dữ dội ngày 5.7 đã mang theo bùn đất cuốn trôi tài sản hàng chục hộ gia đình tổ 33B, khu 5, phường Hà Khánh.
|
Tuyến bờ kè của ông Vũ Văn Độ, giáp ranh với công trường của Công ty cổ phần than Hòn Gai cũng bị đổ. Nước bùn đen kịt từ bể lắng bùn than mà ông Độ xây dựng cũng theo dòng nước mưa lớn, cuốn trôi hết đồ đạc, tủ lạnh, giường đệm... của gia đình ông ra ngoài.
Hiện tại, tuyến kè bị sạt lở ngày 5.7 nằm bên trên đường dẫn lên cầu Bãi Cháy, thuộc tổ 10, khu 2, phường Hòn Gai vẫn chưa được xây dựng lại mà chỉ phủ tấm bạt tạm thời. Hàng chục gia đình sống trên đỉnh dốc nơm nớp lo nhà sẽ bị cuốn trôi theo mưa.
Đó chưa phải là tuyến kè bị sạt lở khủng khiếp nhất sau cơn mưa ngày 5.7. 80 m bờ kè thuộc đường dẫn lên cầu vượt Bàn Cờ Cái Lân, tổ 2, khu 10, phường Bãi Cháy bị sạt, kéo theo hàng trăm khối đất đá sau cơn mưa lớn đến nay vẫn là nỗi kinh hoàng của 6 hộ dân đang sinh sống nơi đây.
Những vết nứt đang ăn sâu vào sân, tường, chân các cây cột điện khu dân cư. Nhiều người dân cho hay đêm không dám ngủ, chỉ lo cả ngôi nhà kiên cố bị quăng xuống vực sâu.
|
Nghi ngờ chất lượng công trình
Ngày 16.6, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống mưa dông, úng lụt, lũ quét và sạt lở đất đá trong mùa mưa bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường kiểm tra, rà soát các khu dân cư sống trong vùng đồi, núi, ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp, ven các bãi thải khai thác khoáng sản, sẵn sàng các phương án, lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng xử lý khi có sự cố...
Tuy nhiên, là vùng địa hình dốc núi, cộng thêm những cơn mưa dữ dội liên tiếp, các vụ sạt lở thời gian qua có xu hướng gia tăng tại TP.Hạ Long, gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa tính mạng người dân.
Điều đáng chú ý là việc thi công nhiều kè đá “có vấn đề” đang là nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở nghiêm trọng.
|
Ví dụ tuyến kè giáp ranh với công ty than Hòn Gai và bể lắng hút bùn thải của gia đình ông Vũ Văn Độ, tổ 33B, khu 5, từng bị UBND phường Hà Khánh lập biên bản xử phạt vì xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, công trình trên vẫn ngang nhiên hoạt động.
Hay như công trình kè tại đường dẫn lên cầu vượt Bàn Cờ Cái Lân, mới khánh thành từ tháng 1.2014 nhưng đã trải qua 2 lần sạt lở, tổng cộng 80 m kè hư hỏng.
Phó chủ tịch UBND phường Bãi Cháy, ông Hà Hữu Trọng cũng công nhận độ dốc của kè quá đứng, xi măng và gạch đá không có độ kết dính.
Nhà đầu tư công trình trên là Ban Quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đang vào cuộc điều tra, cùng với nhà thầu khắc phục sự cố trên.
Thúy Hằng
>> Di dời các hộ dân khỏi khu vực sạt lở đất
>> Sạt lở đất, 7 căn nhà nửa đêm trôi xuống sông
>> Sạt lở đất tại TP.Hạ Long
Bình luận (0)