Tai nạn tiếp tục xảy ra
Sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương hồi cuối tháng 3.2022 làm ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tử vong khiến dư luận đặc biệt quan tâm, thì liên tiếp sau đó xảy ra nhiều vụ TNGT khác trên đoạn cao tốc này.
Vụ tai nạn làm xe đầu kéo và rơ moóc lật ngửa, chắn ngang hai chiều tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sáng 19.4 |
BẮC BÌNH |
Mới nhất, sáng 19.4, một vụ TNGT làm một xe container nằm lật ngửa chắn ngang tuyến cao tốc này, gây tắc nghẽn giao thông cả 2 chiều. Cụ thể, theo chỉ huy Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 (Đội 7), thuộc Phòng 8 Cục CSGT (C08, Bộ Công an), vào khoảng 5 giờ 20 ngày 19.4, xe đầu kéo BS 50H-020.64 do tài xế Đ.C.T (quê H.U Minh Thượng, Kiên Giang) điều khiển kéo theo rơ moóc BS 51R-404.07 lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương hướng từ TP.HCM về Tiền Giang. Khi đến đoạn Km 32 (xã Bình Thạnh, H.Thủ Thừa, Long An) thì xe này lệch hướng lái, đâm vào con lươn giữa hai chiều đường. Xe đầu kéo và rơ moóc cày nát khoảng 20 m dải phân cách giữa đường và ủi sập trụ đèn chiếu sáng, sau đó lật ngửa nằm chắn ngang cả hai chiều đường cao tốc, gây gián đoạn giao thông nhiều giờ liền. Rất may, không có thương vong trong vụ tai nạn này. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được C08 xác định do tài xế T. thiếu quan sát.
Ngay khi xảy ra vụ tai nạn, Đội 7 (C08) đã có mặt tại hiện trường để xử lý. Lực lượng này đã yêu cầu sự phối hợp từ lực lượng CSGT Công an 2 tỉnh Long An và Tiền Giang để cảnh báo xe lên cao tốc và điều tiết giao thông xuống QL1, nhằm kéo giảm tình trạng ùn ứ hơn 10 km phương tiện trên cao tốc. Tuy nhiên, phương án này không hiệu quả do vào thời điểm trên, trên tuyến QL1 qua địa bàn 2 tỉnh Long An và Tiền Giang cũng đang ùn ứ nghiêm trọng.
Đề xuất thu phí trở lại
Chiều 19.4, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thượng Quang Thuần, Chi cục trưởng đường bộ IV.3 (thuộc Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT), đại diện cơ quan quản lý nhà nước đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết các vấn đề như mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trơn trượt do xuống cấp, thiếu lực lượng bảo vệ đường cao tốc dẫn đến tình trạng người đi bộ, xe máy di chuyển vào cao tốc... đều đã được đơn vị đầu tư khắc phục. Do đó, các vụ TNGT trên cao tốc chủ yếu do lỗi các tài xế gây ra.
Tuy nhiên, theo chỉ huy Đội 7, hiện nay lực lượng bảo vệ cao tốc vẫn chưa đảm bảo để kịp thời ngăn chặn những người không được phép di chuyển vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
“Chúng tôi đã tăng cường tuần tra kiểm soát và xử phạt nhiều xe khách đón khách trên cao tốc, xử phạt hành chính nhiều trường hợp với số tiền từ 11 - 13 triệu đồng/vụ nhưng vẫn chưa kiểm soát được tình trạng nguy hiểm này. Nhiều người dân ở hai bên đường cao tốc vẫn thiếu ý thức, chấp nhận nguy hiểm để đi tắt ngang đường cao tốc bằng cách phá rào bảo vệ chui qua. Mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tuy đã căn bản được khắc phục sau thời gian xuống cấp, nhưng lưu lượng phương tiện di chuyển luôn quá đông, chật chội nên hiếm khi nào xe có thể di chuyển tới vận tốc 100 km/giờ như thiết kế. Nguy hiểm nhất vẫn do các tài xế thiếu chú ý quan sát, ngủ gật khi điều khiển phương tiện, di chuyển không đúng làn đường được quy định...”, chỉ huy Đội 7 cho biết.
Trả lời PV Thanh Niên vì sao các xe tải nặng không bị phân luồng di chuyển vào QL1 mà đi vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương gây ra nhiều hiểm nguy TNGT, đại diện Đội 7 cho biết không thể có sự phân biệt phương tiện di chuyển vào tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Bởi các xe chở hàng hóa cũng phục vụ cho sự phát triển KT-XH của đất nước, trong khi trọng tải mặt đường cũng như các cầu vượt trên cao tốc hoàn toàn có thể chịu tải đối với các phương tiện này.
Một giải pháp mà theo đại diện C08, tại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có thể kéo giảm TNGT, chỉnh trang diện mạo toàn bộ tuyến đường luôn được mới mẻ, là cho thu phí trở lại. Bởi khi đó nếu muốn hạn chế các xe cồng kềnh, tải nặng di chuyển vào cao tốc này thì có thể đưa ra giải pháp thu phí cao đối với các phương tiện này. Thu phí trở lại vừa đảm bảo ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án này được tiếp tục thu hồi mà còn làm phấn khởi các đơn vị có liên quan vì sẽ có thêm nguồn kinh phí để hoạt động.
Một số vụ tai nạn trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Từ đầu tháng 4 đến nay có 2 vụ tai nạn trên đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương gây ách tắc giao thông.
Cụ thể, khoảng 18 giờ 30 ngày 1.4, ô tô 4 chỗ BS 63A-001.83 lưu thông theo hướng từ ngã tư Đồng Tâm vào vòng xoay cao tốc. Khi đến điểm mở dải phân cách, thuộc xã Tam Hiệp, H.Châu Thành, Tiền Giang thì xe này rẽ trái dừng ngay điểm mở chờ qua đường. Cùng thời điểm này, từ phía sau, xe đầu kéo BS 66C-068.52 kéo theo rơ moóc BS 66R-000.43 va chạm với xe tải BS 63C-142.39. Tiếp đó xe tải 63C-142.39 lao tới va chạm ô tô 63A-001.83 làm xe này lao sang phần đường ngược lại, va chạm vào xe 7 chỗ BS 65A-287.83 và xe tải 51D-091.45 rồi lao vào lề đường. Sau cú tông mạnh, xe 65A-287.83 lật ngửa trên đường. May mắn vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng đã làm nhiều ô tô hư hỏng nặng. Do 5 xe bị nạn nằm ngổn ngang trên đường nên giao thông bị ùn tắc trên 4 km.
Khoảng 14 giờ 20 ngày 4.4, xe đầu kéo BS 50H-026.38 kéo theo rơ moóc BS 51R-246.93 lưu thông trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hướng từ Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa ra vòng xoay cao tốc. Khi xe vừa đi vào vòng xoay cao tốc đoạn thuộc xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, Tiền Giang thì va chạm với xe máy BS 63AK-021.03 trên xe có 2 cô gái đang lưu thông phía trước. Sau cú va chạm, 2 cô gái té xuống đường, 1 cô gái cùng xe máy lọt vào gầm bị xe đầu kéo kéo đi gần 10 m mới dừng lại. Sau tai nạn, cả 2 cô gái được đưa đi cấp cứu.
Bình luận (0)