Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc trẻ em tại Hà Nội, Long An… khiến dư luận lo lắng. Biện pháp nào để phòng ngừa loại tội phạm này, cha mẹ cần làm gì để con em mình không trở thành nạn nhân…?
Nhận diện tội phạm bắt cóc trẻ em
Tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu, cho biết thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng. Ví dụ, phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường hoặc đứng cách xa cha mẹ, đối tượng tìm cách tiếp cận, làm quen, dùng "mồi nhử" bằng bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để dụ dỗ đi theo.
Đối tượng cũng có thể giả danh người nhà hoặc nhận là người được cha mẹ trẻ nhờ đón để lừa giáo viên, lừa trẻ rồi đưa đi; hoặc đóng giả y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại bệnh viện, lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, đối tượng có thể kết bạn với trẻ qua Facebook, Zalo… rồi rủ rê đi chơi, tham quan, xem phim rồi bắt cóc.
Xem nhanh 12h ngày 4.10: Lời khai kẻ bắt cóc bé gái đòi 2 tỉ
Theo thượng tá Hiếu, tội phạm bắt cóc trẻ em thường tập trung vào số đối tượng lưu manh hình sự, nghiện hút ma túy, không có công ăn việc làm hoặc thua nợ bóng đá, lô đề, cờ bạc.
Nếu vì mục đích chiếm đoạt tài sản, đối tượng thường nhắm vào các gia đình giàu có, khá giả. Đối tượng sẽ thăm dò quy luật sinh hoạt, nhận mặt nạn nhân, theo dõi hành trình di chuyển, khảo sát địa hình và tình hình ở nơi gửi trẻ hoặc trường học, dò hỏi số điện thoại của cha mẹ…
Khi đã bắt cóc được trẻ, đối tượng bố trí nơi giam giữ, tính toán biện pháp liên lạc về gia đình nạn nhân để đưa yêu sách về tiền, tài sản.
Trong hầu hết các vụ án, để đảm bảo không bị phát hiện, đối tượng gây án thường tạo áp lực tinh thần với cha mẹ trẻ bằng cách đe dọa rằng nếu báo công an sẽ làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân.
Với tâm lý sợ bị bắt giữ, tội phạm bắt cóc trẻ em thường sử dụng sim rác, liên tục thay đổi địa điểm giao dịch… Nếu phát hiện sự việc đã được trình báo công an, đối tượng sẽ có những hành động trả thù như làm hại tính mạng của con tin rồi bỏ trốn.
Có trường hợp trẻ khóc lóc, la lối, đối tượng ra tay sát hại nạn nhân để không bị bại lộ, nhưng vẫn gọi điện tống tiền gia đình…
Cha mẹ cần làm gì để trẻ không rơi vào tay tội phạm?
Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định, hậu quả từ tội phạm bắt cóc trẻ em thường rất nặng nề, cả về thể xác lẫn tinh thần của trẻ, của gia đình và cả xã hội.
Những vụ án bắt cóc trẻ em xảy ra, ngoài sự manh động của tội phạm, một phần nguyên nhân còn do sự chủ quan, bất cẩn trong việc trông coi trẻ; người lớn thiếu sự giáo dục cho trẻ về kỹ năng phòng, chống bắt cóc…
Để phòng ngừa, cha mẹ hoặc người thân cần tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.
Trẻ cần được dạy để thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà riêng… nhưng phải giữ bí mật, chỉ nói với những người có thể tin tưởng (thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường…).
Cha mẹ cũng cần dạy trẻ không được nói chuyện hoặc đi theo người lạ; tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho (có thể bị tẩm thuốc mê).
Đặc biệt, trẻ cần được dạy kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Đó là phải kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh, có thể hô "bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với".
Khởi tố bị can bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc 2 tỉ đồng ở Long An
"Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm", thượng tá Hiếu khuyến cáo.
Vẫn theo vị thượng tá, cha mẹ cần dặn dò trẻ khi tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng (dã ngoại, tham quan…) thì phải tuân theo hướng dẫn của người phụ trách, tuyệt đối không tách đoàn dẫn tới bị lạc.
Ngoài ra, cha mẹ nên dạy trẻ ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, cảnh sát phản ứng nhanh (113) để khi cần có thể liên lạc được, nhất là trường hợp xảy ra bắt cóc trẻ em.
Về phía cơ sở trông giữ trẻ hoặc trường học, những nơi này cần nâng cao cảnh giác khi có người lạ đến đón trẻ, trường hợp nghi ngờ có thể liên lạc với phụ huynh để kiểm chứng trước khi giao trẻ, hoặc báo cáo quản lý để có biện pháp xử lý phù hợp.
Xử trí sao nếu xảy ra bắt cóc trẻ em?
Trường hợp trẻ không may sa vào tay tội phạm, thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, cha mẹ cần có ứng xử khôn ngoan để đảm bảo đưa trẻ trở lại gia đình trong sự an toàn.
Ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc hay bị bắt cóc, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản). Việc trình báo phải tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình.
Khi đối tượng gọi điện đòi tiền chuộc, gia đình cần tỏ ra ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu, đề nghị không làm hại đến trẻ, tuyệt đối không được đe dọa sẽ báo công an.
Sau khi nói chuyện, gia đình cần báo cáo cơ quan công an toàn bộ nội dung đàm thoại, hợp tác chặt chẽ, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng chức năng…
Xem nhanh 20h: Nghẹt thở giải cứu bé gái bị bắt cóc
Bình luận (0)