Liên tục cảnh báo đỏ về sự bất thường của mực nước sông Mê Kông

20/04/2022 08:07 GMT+7

Kể từ đầu tháng 4, Dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) đã 9 lần đưa ra cảnh báo về sự bất thường của mực nước sông Mê Kông, số lượng nhiều nhất lịch sử theo dõi của MDM. Nguyên nhân là do sự đóng xả thất thường của các đập thủy điện thượng nguồn.

Mới nhất là cảnh báo được đưa ra vào tối 19.4. Đây là thông tin cảnh báo thứ 9 trong tháng này. Theo đó, việc xả nước nghiêm trọng từ các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc sẽ khiến mực nước sông tại Chiang Saen (Thái Lan) tăng ít nhất 1,6 mét bắt đầu từ sáng 20.4 và đạt đỉnh vào cuối ngày 21.4.

Số lượng cảnh báo về sự biến động mực nước sông Mê Kông được phát ra nhiều nhất trong lịch sử tính theo tháng kể từ khi triển khai MDM vào tháng 12.2020

MDM

Trước đó, MDM phát đi 8 cảnh báo về các thời điểm mà những đập thủy điện ở thượng nguồn làm thay đổi mực nước sông tại hạ lưu hơn 50 cm. Ba trong số các cảnh báo đó ghi nhận mực nước sông giảm hoặc tăng từ một mét trở lên. Số lượng cảnh báo được phát ra nhiều nhất trong lịch sử tính theo tháng kể từ khi triển khai MDM vào tháng 12.2020.

Bản tin MDM, nhận định: “Những sự thay đổi thường xuyên và nghiêm trọng về mức độ này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản ở hạ nguồn, những vùng đất ngập nước và các cộng đồng sống dựa vào sông Mê Kông.

Trong tuần qua (ngày 11 - 17.4), các đập thủy điện Trung Quốc giảm xả nước, thay vào đó nguồn nước đến từ các đập của Lào. Đặc biệt là đập Theun Hinboun mở rộng đã xả khoảng 275 triệu mét khối nước, một lượng nước khổng lồ đối với hồ chứa này.

Việc giữ lại nước tại các đập đã giảm lượng nước vượt mức tại Chiang Saen (Thái Lan) từ 89% xuống còn 43%. Tuy nhiên, các đập của Trung Quốc vẫn còn 58% dung tích hữu ích để xả ra và các con đập ở hạ lưu còn lại 36% dung tích hữu ích. MDM dự báo: Các đập ở thượng nguồn vẫn tiếp tục xả nước trong thời gian tới và gây ra nhiều bất thường về mực nước sông Mê Kông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.