Liên tục tiếp nhận trẻ cấp cứu do đuối nước

18/06/2016 12:54 GMT+7

Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho biết, trong hai tuần qua, BV liên tục tiếp nhận các trẻ bị đuối nước vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong.

Các trẻ trong độ tuổi 5-12, được đưa đến từ các địa phương: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam. Trường hợp nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi. Các trẻ bị đuối nước do không có người lớn trông, tự ý đi bơi ở hồ ao sâu, hoặc bị trượt ngã xuống bể nước, ao sâu.
Trong số nhập viện, bé trai Nguyễn Huy D (5 tuổi) ở Phủ Lý, Hà Nam không may tử vong. Tai nạn xảy ra khi bé chơi ở bể bơi gần nhà bị trượt ngã xuống, chỉ được người lớn phát hiện và vớt lên bờ khi đã bị đuối nước 10 phút. Tuy ngay lập tức bé được chuyển đến BV Nhi T.Ư điều trị tích cực nhưng vẫn không qua khỏi do thiếu oxy dẫn đến phù não cấp. Bé Trần Phan A (8 tuổi), nhà ở Q.Cầu Giấy cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị đuối nước khi theo các anh lớn ra hồ bơi gần nhà. Tại hồ bơi, cháu tự trèo sang khu vực dành cho người lớn và gặp nạn ở đó. Cháu được cấp tốc chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi T.Ư và hiện vẫn trong tình trạng cần được theo dõi sát sao sau 1 tuần được điều trị tích cực…
BV Đa khoa Đức Giang (Sở Y tế Hà Nội) cũng cho biết, vừa qua đã tiếp nhận bệnh nhi Đỗ Văn Đ (7 tuổi) ở Gia Lâm, Hà Nội trong tình trạng nguy kịch do bị đuối nước. Cháu Đ may mắn thoát chết nhưng anh trai của cháu (Đỗ Văn X, 9 tuổi) đã tử vong do đuối nước trong lúc hai anh em cùng tắm ở ao làng. Cả hai cháu đều không biết bơi.
TS-BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi T.Ư cho biết, các trường hợp gặp tai nạn chủ yếu rơi vào các bé trai ở tuổi hiếu động. Nhưng sự bất cẩn của người lớn trong việc trông coi trẻ cũng là nguyên nhân khiến tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Các bác sĩ lưu ý, khi trẻ đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước; đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Quan sát thấy lồng ngực không di động (ngừng thở) phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không (bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không). Nếu không bắt được mạch, chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở ½ dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện. Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm và nhanh chóng đưa trẻ đến BV gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.