Những ngày đầu tháng 11.2020 trên địa bàn Lâm Đồng liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng trái phép ở các huyện Lạc Dương, Đam Rông để lấy gỗ và chiếm đất sản xuất. Đến nay, có vụ chưa tìm ra thủ phạm.
|
Trước đây những người phá rừng để chiếm đất thường ken cây thông, bơm thuốc diệt cỏ làm cây chết dần sau đó đốn hạ thông và lấn chiếm đất rừng. Thời gian gần đây những kẻ phá rừng rất ngoan cố khi dùng cưa máy để triệt hạ cả vạt rừng có diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông…, nhưng cơ quan chức năng vẫn không hay biết hoặc chậm phát hiện.
Rừng bị triệt hạ hàng loạt
Gần đây nhất, Hạt Kiểm lâm H.Đam Rông khởi tố vụ án khai thác rừng trái phép tại tiểu khu (TK) 214 (xã Phi Liêng) do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phi Liêng quản lý, chuyển Công an huyện điều tra truy tìm thủ phạm. Tại hiện trường vụ phá rừng này có 29 cây thông 3 lá (có cây đường kính gốc 70 cm) bị triệt hạ không thương tiếc. Cơ quan chức năng xác định khối lượng lâm sản bị thiệt hại lên đến gần 33 m3 gỗ tròn. Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, hiện trường cho thấy ngoài phá rừng lấy gỗ, khả năng các đối tượng còn nhằm mục đích chiếm đất.
|
Ngoài TK 214, cùng thời điểm nói trên, tại lô b, khoảnh 3, TK 216 (xã Phi Liêng) cũng do BQLRPH Phi Liêng quản lý, có 8 cây thông 3 lá bị cưa hạ trái phép, khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 6,3 m3. Toàn bộ số lâm sản này còn tươi và nằm nguyên tại hiện trường.
Trước đó, tại TK 132, xã Đạ Sar, H.Lạc Dương xảy ra vụ triệt hạ hàng trăm cây thông thuộc rừng phòng hộ ; sau khi báo chí phản ánh, Công an H.Lạc Dương (Lâm Đồng) phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện nhanh chóng khoanh vùng, sàng lọc và xác định được 6 nghi can thực hiện hành vi triệt hạ rừng phòng hộ trên. Các nghi can đều ngụ tại xã Đa Nhim (Lạc Dương), gồm: Cil Phi Criêu Ha Dũng (39 tuổi), Kon Sơ Ha Khuyn (28 tuổi), Kon Sơ Ha Khuynh (26 tuổi), Đơng Gor Ha Bri (26 tuổi) và Chinh Hà Đan (25 tuổi) và 1 nghi can đang bỏ trốn. Hiện nay vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.
|
Phạt chưa đủ sức răn đe
Mới đây, cũng tại H.Lạc Dương, rừng thông tự nhiên nhiều năm tuổi tại khoảnh 3, TK 143 xã Đạ Sar, cạnh QL27C nối liền Đà Lạt với Nha Trang, bị đầu độc chuyển màu lá từ xanh sang vàng. Thủ phạm vụ phá rừng là Hoàng Văn Quân (26 tuổi, ngụ P.12, TP.Đà Lạt). Tại hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận diện tích rừng bị tác động, tàn phá gần 1.000m2, lâm sản bị thiệt hại gồm 59 cây thông 3 lá, với trữ lượng gỗ trên 25m3. Thế nhưng, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, cho biết với diện tích và khối lượng gỗ trên, chưa đủ yếu tố xử lý hình sự. Do đó, Quân bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 11 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật.
|
Theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, mức xử phạt đối với hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp phải căn cứ Nghị định 35/2019/ NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Mức xử phạt cho hành vi lấn chiếm đất rừng có khi chỉ là vài triệu đồng, trong khi với 1ha đất rừng được bán trót lọt, người bán có thể thu lợi cao gấp cả hàng trăm lần. Do vậy, thực trạng phá rừng, triệt hạ rừng thông liên tục xảy ra ở Lâm Đồng, dẫn đến diện tích rừng thông tại tỉnh Lâm Đồng đang ngày càng suy giảm. Điều này được minh chứng qua độ che phủ của rừng ở tỉnh Lâm Đồng trong năm 2010 là khoảng 61%, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 54%.
Ông Ngô Văn Ninh - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin tại buổi họp báo định kỳ tổ chức vào ngày 2.11 vừa qua cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng số vụ vi phạm luật Lâm nghiệp trên địa bàn là 583 vụ; trong đó, có 305 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, số còn vụ "vắng chủ" (không tìm ra thủ phạm - PV), diện tích thiệt hại do phá rừng là hơn 39 ha, lâm sản bị thiệt hại là hơn 1.880 m3.
|
Theo ông Ninh, so với cùng kỳ, số vụ phá rừng giảm 18 vụ, diện tích thiệt hại giảm hơn 10 ha, lâm sản thiệt hại hơn 1.511 m3. Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 555 vụ; trong đó, xử lý hành chính 529 vụ, xử lý hình sự 26 vụ, tịch thu 1.052 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 4,2 tỉ đồng.
Theo người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, dù tình hình phá rừng đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chưa được như kỳ vọng.
Đề án ngăn chặn phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp
Tại buổi họp báo, ông Ninh thông tin, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là đã đánh giá, tổng kết Chỉ thị 30 của tỉnh và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về công tác quản lý bảo vệ rừng.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, hiện các địa phương đã triển khai xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết để phù hợp với từng địa phương.
|
Đề án đặt ra đến năm 2025 phải đạt 4 mục tiêu trọng tâm, như mỗi năm phải giảm từ 10-15% trở lên số vụ phá rừng, giảm 15-20% diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại. Các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật. Kiên quyết giải tỏa, thu hồi 334 ha rừng bị phá từ năm 2016 và những năm sau (nếu có) để trồng lại rừng.
Đề án định hướng đến năm 2030 không để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến dư luận; giảm 50% tỷ lệ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp so với giai đoạn năm 2020-2025.
Bình luận (0)