Trong thế kỷ XX, nhân loại bắt đầu tự tin vào sức mạnh của mình và ra sức chế ngự, chinh phục thiên nhiên. Nhưng tất cả những nỗ lực của con người nhằm chống lại trật tự tự nhiên đều kết thúc một cách bi thảm. Người Trung Quốc đã học được một bài học đặc biệt đau đớn, vào năm 1958, họ đã tiêu diệt gần hết chim sẻ và các loài chim nhỏ khác trên toàn bộ đất nước. Nạn đói sau đó đã giết chết hàng chục triệu người, và rồi Trung Quốc phải mua chim từ Liên Xô.
Bối cảnh xã hội
|
Tranh cãi khoa học
Vào mùa thu năm 1956, những người tham gia hội nghị lần thứ 2 của Hiệp hội Động vật học Trung Quốc đã đổ lỗi rằng các loài chim là thủ phạm gây ra nạn thiếu hụt lương thực. Các nhà khoa học ước tính có 2,5 tỷ con chim sẻ ở Trung Quốc, mỗi con chén 2,5 kg ngũ cốc hàng năm. Như vậy, chúng đã xơi mất một lượng lương thực đủ để nuôi sống 35 triệu người trong 1 năm.
Trong cộng đồng khoa học Trung Quốc đã có những cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề này. “Kẻ thù” chính của loài chim sẻ là Thứ trưởng Bộ Giáo dục Zhou Jian, một nhà sinh vật học. Ông tin tưởng rằng vấn đề lương thực có thể được giải quyết bằng cách loại bỏ chim sẻ. Đối thủ của ông là nhà điểu học Cheng Tso-sin. Năm 1957, ông đã công bố một bài báo "Về thức ăn của chim sẻ" trên Tạp chí Động vật học và nhiều ấn phẩm khác, khẳng định rằng chim sẻ có lợi cho nông nghiệp.
Cheng Tso-sin viết rằng thời gian chim sẻ ấp trứng và nuôi con trùng với mùa sinh trưởng và thu hoạch lúa, chúng tiêu diệt rất nhiều côn trùng gây hại. Hơn nữa, các giống chim sống trong thành phố và rừng rậm hoàn toàn không gây ra thiệt hại cho mùa màng và kho thóc. Đáng tiếc, những lập luận của nhà điểu học đã không được ban lãnh đạo Trung Quốc lắng nghe kịp thời. Và Mao Trạch Đông chỉ tin tưởng một quan chức khoa học quyền lực như Zhou Jian, nhất là khi có nhiều nhà khoa học khác ủng hộ ông ta vì không muốn có hậu quả tiêu cực cho sự nghiệp của chính mình.
Cuộc chiến diệt chim sẻ
Khẩu hiệu “Diệt tứ hại ” đã biến thành một chiến dịch diệt trừ chim phối hợp đồng bộ, được thực hiện trên toàn quốc, với mục đích “thanh toán” hoàn toàn loài chim sẻ. Kể cả trẻ em cũng bị huy động vào cuộc chiến chống lại thiên nhiên. Phong trào diệt chim sẻ được phát động trong toàn quốc: trẻ em, người lớn và người già cùng nhau tiêu diệt những con chim mà đảng và chính phủ liệt vào hàng những loài phá hoại mùa màng. Học sinh, sinh viên, bộ đội, công nhân viên chức được nghỉ học, nghỉ làm để đi chiến đấu chống lại “kẻ thù có cánh”. Không ai phản đối, và nếu có bất đồng thì cũng im lặng. Cha mẹ và giáo viên yêu cầu bọn trẻ phá tổ chim và bắn chim bằng súng cao su.
|
Những đứa trẻ giết được nhiều chim sẻ nhất đã được nhận bằng khen trong trường học. Báo chí hân hoan in ảnh hàng núi xác chim. Người ta dùng xe tải để đưa xác chim đến hố chôn. Vì chim sẻ không thể bay liên tục trên không quá 15 phút, người dân Trung Quốc đã khua nồi niêu xoong chảo khiến chim hoảng sợ. Những con chim kiệt sức rơi xuống đất rồi bị giết. Kết quả, hơn 2 tỉ con chim sẻ đã bị tiêu diệt trong vài tháng, trong đó gần một triệu con đã bị giết chỉ trong ba ngày đầu tiên ở Bắc Kinh và Thượng Hải, mặc dù các loài chim sống trong các thành phố không thể gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho cây trồng nông nghiệp, vì chúng có nguồn thức ăn hoàn toàn khác.
Thiên nhiên lên tiếng
Sự tận diệt chim sẻ đồng nghĩa với việc loại bỏ một loài thiên địch của côn trùng, và chúng nhanh chóng sinh sôi nẩy nở. Sâu bọ đã ăn hết cây nông nghiệp, phần không gian xanh gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi cào cào, châu chấu và các loài gây hại khác. Thật vậy, vào mùa thu năm 1958 ở Trung Quốc hầu như không có chim sẻ và các loài chim nhỏ khác, chỉ còn một phần nhỏ sống sót ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Tính toán của Mao Trạch Đông đã thành hiện thực: vụ mùa sau cực kỳ bội thu. Báo chí Trung Quốc ca ngợi sự khôn ngoan của người cầm lái vĩ đại. Tuy nhiên, nông dân nhận thấy rằng côn trùng xuất hiện nhiều hơn trên các cánh đồng. Sau đó, vụ mùa năm 1960 đã thất thu nặng nề do lúa gạo và lúa mì bị sâu hại cùng cào cào, châu chấu cắn nát trước khi chín. Toàn bộ người dân Trung Quốc đã phải vội vã ra đồng để tiêu diệt chúng. Nhưng trong hoạt động này (diệt sâu, côn trùng có hại), con người không thể sánh được với chim sẻ. Tất cả những nỗ lực của người dân đều vô ích.
Tỉnh ngộ
Sức tàn phá của sâu bọ côn trùng, những sai lầm trong chính sách nông nghiệp và thiên tai đánh sụp sản xuất lương thực của Trung Quốc. Nạn đói bắt đầu hoành hành. Theo số liệu chính thức, khoảng 20 triệu người chết ở Trung Quốc do thiếu lương thực trong năm 1960-1961. Các nhà khoa học Nga và phương Tây ước tính một con số còn khủng khiếp hơn - khoảng 30 triệu sinh mạng. Như vậy, Trung Quốc đã phải trả giá quá đắt khi cố gắng tiêu diệt cả một loài chim. Mọi người đã nghiệm ra rằng chim sẻ có lợi nhiều hơn là có hại.
Chính ông Mao Trạch Đông đã gián tiếp thừa nhận rằng mình đã phạm sai lầm, buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của Liên Xô. Liên Xô đã gửi cho Trung Quốc 19 toa xe lửa chứa đầy chim sẻ. Chim Liên Xô nhanh chóng thích nghi và đông lên ở Trung Quốc, nhờ nguồn thức ăn quá ư dồi dào. Chỉ sau vài năm, số lượng chim sẻ ở Trung Quốc đã hồi phục hoàn toàn.
Bình luận (0)