'Liệt sĩ' làm từ thiện

29/04/2015 07:01 GMT+7

Lừng lẫy với những chiến công thời chiến tranh, thời hòa bình ông lại nổi danh với tấm lòng từ thiện hiếm có. Ông là Nguyễn Văn Khương, “Khương trinh sát” thời chiến hay “ông Khương từ thiện” thời bình.

Lừng lẫy với những chiến công thời chiến tranh, thời hòa bình ông lại nổi danh với tấm lòng từ thiện hiếm có. Ông là Nguyễn Văn Khương, “Khương trinh sát” thời chiến hay “ông Khương từ thiện” thời bình.

“Liệt sĩ” Nguyễn Văn Khương trước sa bàn do ông tự làm ở nhà “Liệt sĩ” Nguyễn Văn Khương trước sa bàn do ông tự làm ở nhà - Ảnh: T.Đ.T

 Trong một khu vườn nhỏ ở thôn Xóm Bùng, xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Khương trông khá thong dong. Ông tự đào ao nuôi cá, làm nhà thủy tạ để có chỗ cho bạn bè đến chơi, ngắm trăng, chuyện vãn…

Chỉ đến khi vào nhà, thấy cả một sa bàn cảnh núi non xứ Quảng thời trận mạc, ngắm những kỷ vật chiến tranh…, tôi mới biết ông đã trải qua một thời tuổi trẻ gan dạ, chết đi sống lại nhiều lần. Lại càng ngạc nhiên hơn khi ông cho xem một Huân chương Chiến công được truy tặng năm 1975, vì ông đã từng là… liệt sĩ!

 “Anh dũng hy sinh ngày 3.2.1965”

Ông Nguyễn Văn Khương sinh ngày 20.7.1946, lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đã lan khắp vùng bắc Điện Bàn. Cha mẹ, bà con ông đều tham gia kháng chiến. Khi còn học ở Trường tiểu học xã Thanh Trung, ông đã nhận nhiệm vụ làm giao liên, cảnh giới, đốt ấp chiến lược… Lớn lên một chút vào bộ đội, làm lính trinh sát rồi đi học quân báo…

Những năm chiến tranh, từ 1964 đến 1969, “Khương trinh sát” tuy là một người lính nhưng đã nổi danh bên cạnh những tên tuổi lớn như Hồng Thắng, Năm Dừa, Hồ Nghinh ở vùng nông thôn Quảng Đà, với hàng loạt trận đánh đầy mưu lược, hàng loạt cuộc giải cứu thông minh. Chính vì vậy mà quân đội và chính quyền VN Cộng hòa đã nhiều lần vây bắt mẹ ông - bà Nguyễn Thị Thâm, để khống chế, vì biết ông rất hiếu thảo với mẹ. Trước tình thế này, tổ chức quyết định cho ông “hy sinh” để che mắt kẻ thù. Vậy là ông trở thành… liệt sĩ!

Giấy báo tử do ông Phan Minh Tựu, cán bộ chính trị Huyện đội Điện Bàn, ghi: “Đồng chí Nguyễn Văn Khương đã anh dũng hy sinh ngày 3.2.1965” được gửi về địa phương. Bà Thâm thoát được cảnh tù đày tra tấn, đau đớn quay về làng lập bàn thờ cho con. Hàng xóm láng giềng đến thăm viếng, chia buồn. Ông Khương cũng “biến mất” khỏi chiến trường Quảng Nam, đi học Trường Quân báo Khu 5 tại Quảng Ngãi hơn một năm. Ông nhớ lại: “Chính cái giấy báo tử đó đã cứu mẹ tôi và thay đổi đời tôi…”.

Từ 1966 đến 1969, ông về đơn vị trinh sát quân báo M53 thuộc Tỉnh đội Quảng Đà, thăng đến đại úy, trung đội trưởng rồi đại đội phó… Với những chiến công lẫy lừng, ông nhiều lần được Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cấp Huân chương Chiến công giải phóng. Sau Mậu Thân 1968, ông được điều lên Đắk Lắk, rồi sang Campuchia. Sau nhiều lần bị thương, ông được đưa ra bắc điều trị rồi học hết cấp 3, vào Trường Quân chính Quân khu 3, Quân khu Tả Ngạn, sau đó về Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng…

“Ông Khương từ thiện”

Sau này nhiều năm, khi Nguyễn Văn Khương được đơn vị cũ yêu cầu lập hồ sơ để đề nghị phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang (năm 2013), thì ông lại là một huyền thoại khác của thời bình. Từ "Khương trinh sát" ngày xưa, bây giờ ở quê ai cũng gọi ông một cách kính trọng là “ông Khương từ thiện”. “Tuy chưa được phong anh hùng, nhưng ông vẫn là một anh hùng trong mắt chúng tôi”, nhiều người bạn ông đã nói vậy.

Trong các báo cáo thành tích thời chiến tranh, tôi đặc biệt chú ý đến những hành động mang đầy tính nhân văn của ông. Chẳng hạn, ông từng lăn vào đạn lửa cứu hàng chục người dân và những đứa bé 1 - 2 tuổi đang bị sát hại năm 1967 tại làng Phi Phú, khu Gò Nổi, trong đó có một cháu bé 1 tuổi đang ôm thi thể mẹ bú say sưa, đứa bé ấy sau 1975 ông có về thăm lại. Hay trước đó, ông cứu một phụ nữ 25 tuổi là N.T.G thoát khỏi sự sàm sỡ của những người đàn ông, ngay giữa trận chiến đêm 20.7.1966 ở Hòa Vang. Năm nay bà G. đã 75 tuổi và xác nhận sự việc này trong hồ sơ của ông...

Phẩm chất ấy tiếp tục nở hoa trong cuộc đời Nguyễn Văn Khương khi ông trở về quê nhà. Người dân Xóm Bùng và các giáo viên địa phương kể rằng, vào những năm khó khăn lúc về hưu, ông Khương đã giấu vợ lấy hai chỉ vàng, là tài sản lớn của gia đình, để mua hai cái máy bơm tạo nguồn nước sạch cho hàng trăm cháu nhỏ ở hai trường mẫu giáo Bích Bắc và Xóm Bùng (xã Điện Hòa), vì chúng không có nước uống.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi tháng ông trích nửa số tiền trợ cấp thương tật (2.150.000 đồng) để giúp đỡ các học sinh nghèo tiểu học và trung học cơ sở của hai trường Thái Phiên, Trần Phú ở địa phương. Thầy giáo Nguyễn Hữu Nhược và Nguyễn Văn Thuần, nguyên Hiệu trưởng Trường Trần Phú ở Điện Hòa, cũng là những người bạn thân của ông, ngồi tính trong 15 năm qua, từ tiền trợ cấp thương tật đó “liệt sĩ” Nguyễn Văn Khương đã giúp các học sinh nghèo gần 200 triệu đồng. Ông còn giúp hai cụ già neo đơn hằng tháng mỗi người 100.000 đồng nữa…

Ở tuổi 70, ông Khương đưa tay vuốt mái tóc đã bạc và nhìn tôi, nói như giải thích một sự thắc mắc: “Lương hưu tôi mỗi tháng trên 5 triệu. Tôi có mấy sào vườn đủ cho các nhu cầu thực phẩm; mỗi tháng chỉ khống chế chi tiêu 1,8 triệu đồng, còn lại lo cho đứa con gái út chuẩn bị thi đại học, lo “phải không” (những chuyện lễ lạc, giao tế - NV) ở trong làng… Nói chung là tui ổn và thương yêu mọi người như thương yêu chính mình”.

Huân chương chiến công của “liệt sĩ” Nguyễn Văn Khương

Hòa bình lập lại, Nguyễn Văn Khương được cử đi học quản lý kinh tế rồi về Quảng Nam làm việc trong ngành thể dục thể thao cho đến khi nghỉ hưu năm 1988. Nhưng cái bằng liệt sĩ vẫn còn đó như một kỷ niệm. Đến năm 1999, lúc mẹ ông qua đời, ông mới đem đốt đi. Liệt sĩ... trở về khu vườn của cha mẹ, sống cùng vợ con ở Xóm Bùng với mức thương tật 3/4 và trợ cấp hằng tháng trên 2 triệu đồng. Ông sống chan hòa trong tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau...

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.